Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam: Hiệu quả từ mô hình liên kết trồng dưa lưới công nghệ cao

Nói về vụ dưa lưới đầu tiên trồng theo mô hình liên kết trong nhà kính công nghệ cao, chị Trần Thị Kiểm, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam chia sẻ: Tuy mới vụ đầu, nhưng cho thấy đây là hướng đi hiệu quả. Với 500 m2 nhà kính trồng dưa lưới trong hơn 2 tháng cho lãi 20 triệu đồng. Những vụ tiếp theo khi đã nắm được kỹ thuật chắc cây dưa sẽ cho năng suất cao hơn.



Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ cao của gia đình chị Kiểm được thực hiện theo chương trình liên kết với Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Hà Nam, tại Khu NNCNC Nhân Khang – Lý Nhân. 

Theo đó, trên diện tích nhà kính 500m2, chị Kiểm trồng 1.000 cây dưa lưới được doanh nghiệp liên kết cung cấp giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, dưa lưới cho năng suất đạt 1,5 tấn, trong đó hơn 80% số quả đạt loại I. Với giá doanh nghiệp thu mua 30 nghìn đồng/kg, vườn dưa lưới công nghệ cao cho giá trị 45 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 40%.

Cùng với chị Kiểm, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ cao của chị Hà Thị Lục, xã An Ninh, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cũng đã cho thu hoạch. Tuy cây dưa được trồng vào thời điểm trái vụ (cuối tháng 8) gặp thời tiết không thuận lợi, nhưng năng suất cũng đạt hơn 1,3 tấn/500m2 sản xuất. 

Theo chị Lục, vụ đầu tiên trồng dưa lưới công nghệ cao vừa làm, vừa học hỏi kỹ thuật và đúc rút kinh nghiệm. Quá trình sản xuất cho thấy việc áp dụng kỹ thuật không quá khó, những vụ tiếp theo chắc chắn không mất quá nhiều công và năng suất sẽ đạt cao hơn.

Thời gian qua, huyện Bình Lục đã xây dựng 3 khu nhà kính công nghệ cao diện tích 500m2/mô hình thực hiện liên kết với Công ty cổ phần đầu tư phát triển NNCNC Hà Nam, tại xã Hưng Công, An Ninh và Bình Nghĩa.

Theo đó, các nhà kính đều được xây dựng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Đồng thời, phía doanh nghiệp cung ứng toàn bộ vật tư, phân bón, giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giá thu mua sản phẩm được ký kết thấp nhất 30 nghìn đồng/kg dưa loại I. 

Các mô hình nhà kính đầu tiên này được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng 250 triệu đồng/mô hình. Ông Đỗ Quyết Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bình Lục cho biết: Mục đích huyện xây dựng các mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ cao nhằm làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Từ các mô hình đầu tiên này, trong thời gian tới huyện sẽ mở rộng sản xuất ở các địa phương.

Thực tế sản xuất cho thấy, tuy mới là vụ đầu tiên nhưng người dân đã áp dụng khá tốt quy trình kỹ thuật trong sản xuất. Điều này được chứng minh qua năng suất dưa lưới trong các mô hình đều đạt khá cao từ 1,3 – 1,5 tấn theo yêu cầu, với số quả loại I đạt 80 – 90%. Đặc biệt, cây dưa lưới trồng trong nhà kính công nghệ cao theo mô hình liên kết cho giá trị và thu nhập cao hơn nhiều loại cây trồng khác, kể cả những cây ăn quả chủ lực hiện nay, như: nhãn, bưởi, ổi… 

Mục tiêu xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm hạt nhân giúp mở rộng phát triển sản xuất của tỉnh. Các mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trong nhà kính được thực hiện tại huyện Bình Lục đã chứng minh được hiệu quả. Để tiếp tục có vệ tinh liên kết với doanh nghiệp NNCNC rất cần có sự hỗ trợ của cả các cấp chính quyền và doanh nghiệp để người dân có điều kiện và yên tâm đầu tư sản xuất./.

TT (Nguồn Báo Hà Nam)