Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Giang: Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cam sành

Cam sành là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của tỉnh Hà Giang. Đầu tư phát triển chuỗi giá trị chính là giải pháp để sản phẩm đặc sản này đứng vững trên thị trường. Trong niên vụ cam 2017 - 2018, tổng diện tích cam sành của Hà Giang đạt khoảng 8.850ha, trong đó có trên 4.500ha cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 48.000 tấn.



Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cam sành, góp phần thúc đẩy tiềm năng đối với cây ăn quả đặc sản của địa phương; thu hút đầu tư, tạo mối liên kết thị trường, góp phần tăng thu nhập và ổn định cho người sản xuất, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và 3 huyện trồng cam là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên thực hiện các chương trình, dự án nhằm không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm.

Điển hình là chương trình “Cải tạo và phục hồi cây cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP”, chương trình “Mở rộng và nâng cao chất lượng của sản phẩm cam sành”… Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 3.000ha cam sành đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, hàng năm vào đầu vụ thu hoạch, UBND tỉnh đều phối hợp với các huyện tổ chức Hội thi sản phẩm cam sành. Hiện sản phẩm cam sành Hà Giang đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Xác định cam sành là một trong những cây trồng chủ lực (bao gồm cây cam, cây chè và cây dược liệu), tỉnh Hà Giang đã có các cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển cây trồng và vật nuôi chủ lực, trong đó có cây cam sành.

Tỉnh Hà Giang là địa phương có điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu nên cây cam sành Hà Giang có mùi thơm rất đặc trưng, vị ngọt thanh, quả rắn, màu vàng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Ngày 10/10/2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Sành Hà Giang. Điều này góp phần bình ổn chất lượng và danh tiếng của sản phẩm, phát triển, quảng bá hình ảnh cam Hà Giang tới người tiêu dùng; phát huy các lợi thế riêng có của địa phương để phát triển sản phẩm đặc sản; nâng cao giá trị kinh tế cho cam; đảm bảo quyền và lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng. Từ đây, cam Hà Giang có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác như cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Hàm Yên (Tuyên Quang).../.

 

Thanh Tuyền (Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam)