Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Giang: Phát triển chuỗi giá trị mật ong bạc hà

Vừa tới khu nuôi ong của anh Giàng Nai Cơ ở thôn Cá Ha, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chúng tôi đã được chào đón nồng nhiệt bởi những tiếng vo vo của hàng ngàn con ong cùng mùi thơm phảng phất của hoa bạc hà làm quên hết mệt nhọc khi leo dốc đá.



Nhà anh Giàng Nai Cơ đang nuôi 101 nhà ong, mỗi nhà có 4 - 5 cầu. Khi hoa bạc hà nở rộ từ tháng 11 - 12 hàng năm thì cứ 10 ngày anh quay mật 1 lần, mỗi lần quay được khoảng 0,5 lít mật. Mỗi mùa hoa bạc hà nở anh quay được khoảng 3 lần, tổng cộng mỗi nhà ong thu được 1,5 lít. Với giá bán khoảng 700.000 đ/lít thì mỗi mùa hoa bạc hà anh thu được khoảng 1 triệu đồng/nhà ong. Với 100 nhà ong anh có doanh thu hàng năm là 100 triệu đồng.

Các khoản chi phí bao gồm duy trì và giữ ong trong những tháng còn lại không có hoa bạc hà là 20 triệu đồng. Anh cho biết là các hoa khác trên vùng núi đá này rất ít, không đủ cho ong làm mật. Chi phí chuyển ong, nhân công, mua nhà ong và ong giống là 30 triệu đồng. Mỗi nhà có giá khoảng 1,1 triệu đồng và nuôi được 2 - 3 năm. Nhà ong được làm bằng gỗ, kích cỡ khoảng 42cm dài, 30cm rộng và cao khoảng 30cm. Như vậy hàng năm trừ các khoản chi phí thì có lãi khoảng 50 triệu đồng, đây là khoản thu nhập khá cao với bà con vùng núi cao.

Anh Giàng Nai Cơ cho biết, ong nội ở nơi đây rất khỏe và ít bệnh tật, một số bệnh thỉnh thoảng xảy ra là thối ấu trùng tuổi nhỏ và bệnh ấu trùng túi. Do vậy cũng cần phải chăm sóc tốt, phòng bệnh bằng các loại thuốc có thể phun trực tiếp vào cầu ong hay trộn vào nước đường mía cho ong ăn. Duy trì đàn ong bằng thức ăn đường kính, phấn hoa, nước theo đúng quy trình.

Từ lâu, mật ong bạc hà cao nguyên đá Đồng Văn đã được nhiều người biết đến bởi những dược tính đặc biệt của nó, đó là khả năng bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, đau dạ dày, làm đẹp da. Chính cây hoa bạc hà là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho con ong trên địa bàn và quyết định nên thương hiệu sản phẩm mật ong bạc hà.

Tuy nhiên theo cán bộ Trạm Khuyến nông Đồng Văn thì cây bạc hà rất khó mở rộng do mọc tự nhiên, phân bố hẹp chỉ có ở khu vực núi đá trong thời gian từ tháng 11 - 12 và mọc xen ở các khu vực canh tác ngô 1 vụ. Cây bạc hà phụ thuộc lớn vào khí hậu. Mặt khác thời gian khai thác mật thường có rét đậm rét hại ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn ong.

Theo bà Đào Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Giang thì Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển đàn ong nội, đặc biệt là quyết định số 300/QĐ- UBND của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt "Báo cáo phân tích và kế hoạch đầu tư chiến lược chuỗi giá trị mật ong giai đoạn 2017-2020" cũng như việc hoàn thiện quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu bạc hà./.

TT (Nguồn Báo NNVN)