Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giải pháp quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh gia cầm

Bệnh cúm gia cầm xảy ra khắp nơi trên thế giới, là mối đe dọa cho chăn nuôi, sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn và đa dạng về quy mô, chủng loại. Những năm vừa qua, đàn gia cầm của thành phố liên tục tăng cả về số lượng đầu con và quy mô chăn nuôi. Bên cạnh đó, thực trạng kinh doanh gia cầm tại Hà Nội tồn tại song song nhiều hình thức kinh doanh và hầu hết các chợ đều có hoạt động giết mổ gia cầm. Nguồn gia cầm nhập vào thành phố Hà Nội tiêu thụ rất đa dạng, có nguồn gốc hầu hết từ các tỉnh, thành phố.



Tại Việt Nam, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Đồng thời, người dân có xu hướng tăng đàn gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Các chủng của vi rút cúm gia cầm có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật khác nhau như chim, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và người…  Vi rút  cúm có thể lan truyền nhanh từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép... Vi rút có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút...) và tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm vi rút. Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển.      

Trước những diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm việc đề xuất các biện pháp can thiệp để nâng cao hiệu quả phòng dịch cúm gia cầm trong chăn nuôi nói chung và trong chợ buôn bán gia cầm nói riêng là vô cùng quan trọng. Trên cơ sở các thông tin thu thập và nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

  1. Giải pháp hạn chế yếu tố nguy cơ

Yếu tố

Giải pháp kỹ thuật

Cơ sở khoa học

Thời gian mở chợ hàng ngày, cả sáng và chiều

- Hàng quý nên có ít nhất 1 ngày đóng cửa chợ để vệ sinh và khử trùng.

- Đóng cửa chợ sớm (5-6h chiều) để vệ sinh.

- Gián đoạn việc nguồn virus  mới xâm nhập vào chợ (nghỉ chợ).

- Loại bỏ nguồn virus cũ đã có trong chợ qua thực hiện việc vệ sinh, khử trùng.

Nguồn gốc gia cầm bán trong chợ (nội và ngoại tỉnh)

- Gia cầm phải được kiểm dịch (xét nghiệm nhanh) trước khi đưa vào chợ và phải có nguồn gốc rõ ràng.

- Phát hiện sớm gia cầm mang mầm bệnh.

- Truy xuất được hộ chăn nuôi có nguy cơ bị dịch.

Lưu giữ gia cầm qua đêm tại chợ

- Nghiêm cấm lưu giữ gia cầm qua đêm tại chợ đặc biệt các hộ bán lẻ.

- Trường hợp đối với hộ bán buôn (chợ Hà Vỹ) trong trường hợp gia cầm lưu giữ phải là những đàn từ các trang trại chăn nuôi có an toàn sinh học, gia cầm đã được tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm âm tính với virus CGC.

- Gián đoạn thời gian nhân lên của virus trong chợ. Do các hộ bán lẻ thường tập trung gia cầm, thủy cầm từ nhiều nguồn khác nhau và nhốt chung trong cùng một lồng nên nguy cơ virus CGC từ gia cầm, thủy cầm vào trong chợ và nhân lên trong thời gian lưu giữ qua đêm tại chợ.

Công suất giết mổ

- Hạn chế hoặc cấm giết mổ gia cầm trong chợ. Chỉ những chợ có khu vực xây dựng riêng và có hệ thống cấp nước và xử lý nước thải theo đúng quy định của nhà nước.

- Cắt nguồn virus gây ô nhiễm môi trường thông qua nước thải giết mổ gia cầm.

Bảng một số biện pháp hạn chế yếu tố nguy cơ được tìm ra trong nghiên cứu

  1. Giải pháp kiểm soát nhập lậu

Vấn đề gốc của nhập lậu là chênh lệch về giá cả và quản lý vận chuyển tiểu ngạch qua biên giới. Trong khi dịch cúm gia cầm còn là nguy cơ với con người, biện pháp cân bằng giá cả, nâng cao ý thức người dân vùng bờ biên và xử phạt như trong chiến dịch chống nhập lậu gia cầm giai đoạn vừa qua sẽ là giải pháp giải quyết từng bước tồn tại trước mắt cũng như thay đổi ý thức người tham gia hệ thống chăn nuôi, kinh doanh động vật, mới giải quyết được vấn đề lâu dài.

  1. Quản lý chợ bán gia cầm sống

Về dài hạn cần xây dựng mô hình tiên tiến về “Chợ an toàn thực phẩm”. Phát triển nhanh và mạnh hệ thống thông tin điện tử sao cho người tiêu thụ có những thông tin công khai minh bạch về nguồn gốc và chất lượng gia súc, gia cầm (như giống, loại, ngày nhập, vắc xin, kết quả giám sát chăn nuôi thú y, tình trạng sức khỏe và ngày dự kiến xuất bán), dần dần tạo ra một môi trường giao lưu hàng hóa động vật sống với thể chất và tiêu chí chất lượng rõ ràng, có sức cạnh tranh cao.

Truy xuất nguồn gốc: Trong khi chưa thể có quy định có tính khả thi thì tập trung giải quyết vấn đề về cải thiện và thay đổi nhu cầu cần và đủ của người tiêu dùng, đầu vào thì cải thiện hệ thống điện tử quản lý truy xuất nguồn gốc động vật. Người dân trên cơ sở đó có thể xây dựng thương hiệu và cạnh tranh lành mạnh mới đáp ứng được nhu cầu chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng.

  1. Giải pháp dài hạn

Để đáp ứng yêu cầu kiểm soát, phòng chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả, về dài hạn cần: (i) Phát triển công cụ kỹ thuật truy nguyên nguồn gốc gia cầm sống (thí dụ đánh dấu gia cầm sao cho tương đương hoặc giống như barcoding đánh dấu hàng hóa); (ii) Phát triển và phổ cập những Kit chẩn đoán nhanh với căn bệnh truyền nhiễm nói chung và cúm gia cầm nói riêng, phục vụ giám sát căn bệnh tại chỗ, phát hiện, xử lý và ngăn ngừa việc phát tán mầm bệnh qua hệ thống lưu thông gia cầm sống; (iii) Ban hành tiêu chí, phát triển công cụ giám sát huyết thanh học ngẫu nhiên với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, kết hợp với truy nguyên nguồn gốc, xử phạt hoặc cấm các trường hợp lưu thông gia cầm có nguy cơ nhiễm chéo làm lây truyền dịch bệnh; (iv)  Phát triển mô hình kinh doanh gia cầm sống như: Chợ đầu mối trong phạm vi cả nước và chợ địa phương truyền thống phù hợp với thói quen tập quán, văn hóa của người Việt Nam với quy mô xác định (như thôn hoặc xã, cụm dân cư), với bộ công cụ kiểm soát dịch bệnh tại chỗ./.

Cấn Xuân Minh - Chi cục CN và Thú y Hà Nội