Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gia Lâm phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Hiện nay, huyện Gia Lâm có 149 sản phẩm là nông sản, thực phẩm, đồ uống, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, điểm du lịch của hơn 30 chủ thể được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 đến 5 sao.



Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, nâng cao giá trị các sản phẩm đã được công nhận và phấn đấu mỗi năm có từ 20 đến 30 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Xã Phù Đổng có nghề trồng cây cảnh và hoa giấy đã được UBND huyện Gia Lâm công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài chia sẻ, hình thành cách đây hơn 20 năm, nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển và trở thành nghề chính. Hiện tại xã có khoảng 250 hộ trồng hoa giấy. Không chỉ đơn thuần trồng hoa giấy theo cách truyền thống, người dân Phù Đổng còn lai tạo, uốn ghép cây thành nhiều kiểu dáng, tạo ra hoa nở với nhiều màu sắc khác nhau, giúp tăng thêm giá trị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, doanh thu từ nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng khá cao, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.

Ông Nguyễn Bá Nam là người trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa giấy lâu năm ở xã Phù Đổng cho biết, mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường hàng trăm cây hoa giấy các loại; trong đó có nhiều dòng sản phẩm có sự đặc sắc, khác biệt như hoa giấy bonsai, cây được tạo dáng, tạo thế, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng/năm. Để nghề trồng hoa giấy không chỉ là nghề sản xuất nông nghiệp truyền thống, mà ngày càng phát triển mạnh, ông Nam đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, năm 2023, cơ sở của gia đình ông có sản phẩm hoa giấy ngũ sắc đạt OCOP 3 sao.

Cùng với nghề trồng cây cảnh và hoa giấy ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm tích cực phát triển sản phẩm OCOP là đồ gia dụng, trang trí, thủ công mỹ nghệ… Đơn cử, xã Kim Lan - nơi được coi là quê hương của đồ gốm gia dụng, là cái nôi của gốm sứ Thăng Long xưa - giờ đây đã phát triển sản phẩm gốm sứ phong phú, đa dạng hơn về kích thước, màu sắc. Nghệ nhân Phạm Văn Hà hay còn gọi là Phạm Văn Hổ ở xã Kim Lan cho biết, năm 2023, ông đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP với 4 sản phẩm tranh sứ: Một góc quê, hạ liên thảo ngư đồ, bộ phúc lộc thọ, bộ tứ quý và đều đạt OCOP 3 sao. “Tôi thấy việc tham gia Chương trình OCOP rất hữu ích, giúp gia tăng giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gốm sứ ở trong nước và tạo cơ hội vươn tới thị trường quốc tế…”, nghệ nhân Phạm Văn Hà chia sẻ thêm.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, năm 2023, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã rà soát, đăng ký 30 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 29 sản phẩm đạt 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 149 sản phẩm. Huyện cũng xây dựng được 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các xã Bát Tràng, Dương Xá; triển khai xây dựng thêm 1 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương tại xã Phù Đổng…

Khẳng định về sự quan tâm của huyện trong phát triển các sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP cho 500 lượt cán bộ quản lý, điều hành, lao động tại doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP.

Nhằm quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP và góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động, huyện Gia Lâm phối hợp với các sở, ngành chức năng xây dựng phương án phát triển thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm OCOP của huyện lên sàn thương mại điện tử; đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện tham gia các hội chợ, triển lãm; hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các chủ thể tham gia đánh giá phân hạng lại đối với những sản phẩm đã được đánh giá phân hạng nhưng hết thời hạn 3 năm theo quy định…/.

TA (Theo Báo HNM)