Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Du lịch nông nghiệp: Hướng đi mới của làng nghề Hồng Vân



Phát huy thế mạnh của làng nghề sinh vật cảnh, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã kết hợp phát triển làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm, cho hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đến với Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm cây cảnh nghệ thuật độc đáo cũng như được tham gia trải nghiệm hoạt động “một ngày làm nghệ nhân”. Du khách được giao lưu, cùng các nghệ nhân làng nghề cắt, tỉa, tạo dáng và đặt tên cho những sản phẩm cây cảnh của mình tạo ra. Ngoài hoạt động tham quan, du khách sẽ được thưởng thức và mua sắm các sản vật của địa phương như hoa, quả, các sản phẩm nông sản, cây cảnh…

Anh Phạm Văn Quỳnh - Giám đốc nông trại giáo dục VietVillage (thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân) cho biết: Nông trại giáo dục của gia đình anh có quy mô 7 ha, gồm đất trồng cây cảnh, ao cá, vườn rau, chuồng nuôi gia súc, gia cầm… Hiện đang tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động. Trung bình, mỗi tháng đón hơn 20 đoàn khách, chủ yếu là các trường học trong nội thành Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Mai Văn Ngần cho hay: Tận dụng thế mạnh từ cây cảnh, Hồng Vân chọn hướng phát triển du lịch sinh thái đồng quê. Theo đó, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi các xứ đồng sang trồng các loại cây cảnh, cây hoa phổ thông (hoa mười giờ, hoa hồng, hoa giấy…). Cùng với đó nỗ lực trong quy hoạch đường làng, phát triển hệ thống cây xanh. Năm 2018, xã đã được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh với diện tích 128 ha. Hiện nay, trung bình mỗi năm làng nghề đón từ 5 – 6 vạn khách. Trong đó, các địa điểm thu hút đông khách nhất là nông trại giáo dục; Hợp tác xã hoa cây cảnh; khu trồng cây ăn quả kết hợp với khai thác dịch vụ tâm linh trải nghiệm dọc sông Hồng như: Đền Xâm Thị và đền thờ Chử Đồng Tử. “Khai thác làng nghề gắn với du lịch ngoài việc tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, còn góp phần phát triển làng nghề sinh vật cảnh trong giai đoạn “đóng băng” hiện nay” – ông Ngần cho biết.

Tuy nhiên theo ông Ngần, việc khai thác nghề gắn với du lịch ở Hồng Vân vẫn chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế. Các tuyến đường vào xã chật hẹp nên những xe du lịch cỡ lớn khó di chuyển. Trong khi đó, lao động làng nghề chưa thực sự quan tâm tới việc làm du lịch nên các dịch vụ đi kèm chưa thực sự hấp dẫn. Do vậy, để làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân khai thác hết tiềm năng, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thành phố cần có cơ chế đặc thù trong chuyển đổi cơ cấu quỹ đất phù hợp để canh tác. Bên cạnh đó, giúp người làm nghề có cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để có vốn quay vòng sản xuất./.

NT (Theo KTĐT)