Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Động lực phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô

Để tạo động lực phát triển cho người nông dân, thời gian qua Hội Nông dân TP. Hà Nội đã tạo điều kiện, hỗ trợ từ khâu cấp vốn đến sản xuất, kết nối tiêu thụ, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất và gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản.



Quỹ hỗ trợ nông dân hiện đang là nguồn vốn quan trọng để Hội Nông dân TP. Hà Nội hỗ trợ cho các mô hình phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2023, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành phố đã giải ngân 555 dự án, với số tiền khoảng 300 tỷ đồng có tác động xã hội lớn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, nhất là những hộ nông dân nghèo. Hàng năm đã giúp giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động trên địa bàn nông thôn. Góp phần thực hiện mục tiêu "tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo" trên địa bàn thành phố.

Theo ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Rau sạch Chử Tâm, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm rau ăn lá. Từ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân mà mỗi thành viên được vay vốn cũng đã tạo thêm kinh phí cho Hợp tác xã đầu tư phát triển các giống cây mới, mang lại hiệu quả cao và phù hợp với thị trường hơn.

Với diện tích trên 1,2 ha, trung bình mỗi ngày Hợp tác xã xuất bán từ 2 - 3 tạ rau, doanh thu đạt 50 - 70 triệu đồng / tháng. Sản lượng rau chủ yếu được tiêu thụ qua cửa hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm của xã hội và đưa vào một số bếp ăn, trường học trên địa bàn huyện Gia Lâm.

Bà Đào Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Hà, huyện Đông Anh cho hay, đối với huyện Đông Anh, vai trò của Quỹ hỗ trợ nông dân được khẳng định thông qua vốn vay dành cho các chi, tổ hội nghề nghiệp. Cũng nhờ nguồn vốn này, các hộ kinh doanh có thêm tiền để duy trì, phát triển sản xuất. Tổ nghề nghiệp trạm khắc Liên Hà hiện có hơn 65 thành viên, từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong tổ nghề nghiệp có thêm điều kiện để giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển làng nghề, tất cả các khâu từ nhập nguyên liệu, đa dạng hoá mẫu mã chế tác đến vốn đều được các thành viên trong tổ nghề chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và đã có nhiều sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao.

Bà Đặng Thị Tươi, Chủ tịch Hội nông dân huyện Ứng Hoà chia sẻ, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả và trả phí, gốc đúng kỳ hạn. Thông qua các dự án, đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương.

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội đánh giá, từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác, Hội Nông dân TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn sớm có những giải pháp định hướng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ; áp dụng khoa học công nghệ cao... tại những vùng trọng điểm; hướng tới xây dựng, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, đồng thời gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề trên địa bàn.

Hội Nông dân TP. Hà Nội coi nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp phát triển ngành nghề bền vững./.

TA (Theo www.chinhphu.vn)