Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đông Anh phát huy nguồn lực từ hợp tác xã

Những năm qua, huyện Đông Anh xác định phát triển kinh tế tập thể là nguồn lực để phát triển kinh tế nông thôn, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị, trong đó, các hợp tác xã đóng vai trò chủ lực. Nhiều hợp tác xã mới hình thành đang phát huy sức mạnh, đổi mới sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.



Năm 2023, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Đại Nam, xã Mai Lâm ra đời với 50 ngành nghề nông nghiệp bao gồm chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đại Nam Nguyễn Huy Nam cho biết, hợp tác xã được thành lập trên cơ sở liên kết giữa các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, hoạt động theo hướng đa năng, đa ngành nghề.

Với quy mô gần 10 ha, hợp tác xã kỳ vọng khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không phù hợp điều kiện phát triển đô thị trong tương lai. “Đặc biệt, hầu hết các hộ thiếu kiến thức về thị trường, công nghệ nên việc liên kết sẽ tạo ra vùng sản xuất lớn, ứng dụng được công nghệ và nắm bắt được thị trường”, ông Nam chia sẻ.

Ra đời sớm hơn Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Đại Nam, thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá (xã Tàm Xá) là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất thực phẩm sạch. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tàm Xá Lê Thị Thanh chia sẻ, ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết “5 nhà”: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh và người tiêu dùng.

Trong đó, nhà quản lý hỗ trợ về mặt bằng, pháp lý và chính sách phát triển; nhà khoa học nghiên cứu, cập nhật giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhà nông sản xuất ra nông sản; nhà kinh doanh giải quyết vấn đề đầu ra; người tiêu dùng tiêu thụ nông sản Việt. Rau, củ, quả được hợp tác xã chăm sóc theo quy trình hữu cơ vi sinh, sử dụng các loại phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh để chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm an toàn, nâng cao giá trị và tạo sự khác biệt cho sản phẩm.

Đặc biệt, nhằm minh bạch quá trình sản xuất, sản phẩm của hợp tác xã đều được dán tem truy xuất nguồn gốc. Khách hàng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể kiểm tra thông tin về sản phẩm như giống rau, nhật ký sản xuất, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… Hiện, sản phẩm rau, quả của hợp tác xã được phân phối tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch: Chuỗi cửa hàng CheckVN Mart, chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm, chuỗi thực phẩm sạch Hiền Nhuần…

Là huyện được định hướng trở thành quận, đến nay, các mô hình hợp tác xã của Đông Anh đang giải quyết nhiều tiêu chí quan trọng về kinh tế, môi trường, trở thành nguồn lực thực hiện kinh tế đô thị, kinh tế xanh trong tương lai. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà thông tin: Toàn huyện hiện có 167 hợp tác xã, trong đó 130 hợp tác xã nông nghiệp. Thời gian qua, các hợp tác xã phát huy hiệu quả, tạo ra các mô hình kinh doanh mới, bảo vệ môi trường, điển hình là các hợp tác xã nông nghiệp. Từ hoạt động của các hợp tác xã, kinh tế nông thôn, kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Đông Anh thực hiện nhanh, đầy đủ chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo quy định của Chính phủ và thành phố. Điểm nổi bật nhất là huyện đã hỗ trợ các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong dịch vụ thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế số.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng khẳng định: Đông Anh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã ổn định sản xuất, kinh doanh. Trong đó, ưu tiên thu hút hợp tác xã đầu tư theo quy hoạch; doanh nghiệp, hợp tác xã công nghiệp có hàm lượng chất xám cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục rà soát các hợp tác xã, hỗ trợ chuyển đổi trong hình thức kinh doanh, tiệm cận thị trường số; tập trung giải thể các hợp tác xã cũ, hoạt động kém hiệu quả; đặc biệt huyện hỗ trợ tối đa về quỹ đất sản xuất, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của hợp tác xã.../.

TA (Theo Báo HNM)