Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đi tìm lợi thế cạnh tranh cho chăn nuôi Thủ đô

Các sản phẩm tươi ngon của các vùng miền kể cả những sản phẩm nhập khẩu đều tập trung tại Hà Nội. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội phải cạnh tranh với sản phẩm trong nước và cả nước ngoài, đó là thách thức không nhỏ đòi hỏi sản phẩm chăn nuôi của Thủ đô ngày càng phải nâng cao chất lượng đáp ứng được thị trường trong nước và quốc tế.



Còn nhiều khó khăn

Hà Nội là một thị trường tiêu thụ lớn, với lợi thế là hơn 10 triệu dân nhưng ngành nông nghiệp Thủ đô mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu lương thực thực phẩm, còn lại vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Đó vừa là lợi thế nhưng cũng là thách thức với ngành nông nghiệp Hà Nội. Bởi vì thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô lại rất cao, đòi hỏi sản phẩm muốn tiêu thụ được trên thị trường phải đáp ứng các tiêu chí ngon - bổ - rẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một trong những nhóm sản phẩm nông nghiệp được tiêu dùng nhiều nhất tại thủ đô là các sản phẩm chăn nuôi. Theo tính toán của ngành nông nghiệp Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của Thành phố khoảng 19.300 tấn/tháng, khả năng đáp ứng 13.700 tấn/tháng (đạt 71%); thịt trâu, bò nhu cầu khoảng 5.370 tấn/tháng, đáp ứng được 1.000 tấn/tháng (đạt 18,6%); thịt gia cầm nhu cầu của thành phố khoảng 6.400 tấn/tháng, nhưng Hà Nội đã sản xuất được 13.500 tấn/tháng...

Với lợi thế giao thương thuận lợi lại có điều kiện tự nhiên phong phú với 150 nghìn ha đất đồi gò; 125 nghìn ha đất bãi phù sa, 35 nghìn ha đất đồng bằng và còn lại là đất trũng, Hà Nội đang hướng tới mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái để đảm bảo phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

Nhưng thực tế việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi chưa đồng bộ, toàn phần, mà chủ yếu ứng dụng một hoặc vài khâu trong sản xuất, sơ chế, chế biến. Vì vậy, việc chứng nhận mô hình công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó là những hạn chế trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh, không chỉ việc ứng dụng mà cả việc triển khai, áp dụng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao vào thực tế. Đến nay, thành phố vẫn chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ban hành tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND thành phố Hà Nội cũng khó thực hiện, đặc biệt là tiêu chí về diện tích đất quá lớn, không phù hợp với địa phương.

"Thực tế, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội về cơ bản có quy mô nhỏ. Mặt khác, đến nay, thành phố Hà Nội cũng chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp", ông Nguyễn Văn Chí cho hay.

Cần có quy hoạch khu chăn nuôi công nghệ cao

Mục tiêu Hà Nội đưa ra đến năm 2030, giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ xuống chỉ còn từ 15%-20% (hiện quy mô chăn nuôi nông hộ là 54,7%). Để theo đuổi được mục tiêu này, theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho rằng, để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao cần quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố.

Đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cùng với đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp.

Để phát huy lợi thế trên địa bàn thành phố có nhiều cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp & PTNT, học viện, các trường đại học đóng trên địa bàn, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hợp tác trong đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển, quản lý chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm.

 

Hiện nay, Hà Nội có 162 xã chăn nuôi trọng điểm; trong đó có 15 xã chăn nuôi bò sữa, 39 xã chăn nuôi bò thịt, 48 xã chăn nuôi lợn, 60 xã chăn nuôi gia cầm, với 6.381 trang trại chăn nuôi. Cụ thể, tính đến 6 tháng đầu năm 2023, đàn bò có 129,6 nghìn con, giảm 0,2%; đàn lợn có 1,46 triệu con, tăng 4,4% so với cùng kỳ, đàn gia cầm đạt 40,8 triệu con, tăng 3,6%.

Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.035 tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò đạt 5.411 tấn, tăng 0,1%; thịt lợn đạt 124 nghìn tấn, tăng 8%; thịt gia cầm đạt 80,5 nghìn tấn, giảm 0,3%; trứng gia cầm đạt 1.398 triệu quả, tăng 4,2%...

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mặt ở hầu hết quận, huyện có sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng...

Hiện có 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - tiêu thụ nông sản (Jafa, CP, Dabaco, CJ Việt Nam, Minh Long, Công ty Giống gia súc Hà Nội...) đã tham gia đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các hợp tác xã đã phát huy được vai trò chủ đạo trong thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất tại cơ sở. Số hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là 122; trong đó có 3 hợp tác xã chăn nuôi, chiếm 2,5% số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, 100% sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng công nghệ cao, do những trang trại chăn nuôi lợn, gà, trâu bò đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp kỹ thuật công nghệ cao./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)