Khu vực miền Đông của tỉnh gồm 6 huyện (Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ và Móng Cái) có diện tích tự nhiên chiếm khoảng 48,19% diện tích toàn tỉnh với cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất lĩnh vực trồng trọt còn thấp so với các khu vực khác. Cây lúa tại các huyện miền Đông được trồng 2 vụ chính là vụ xuân muộn và vụ mùa với cơ cấu giống chủ yếu là Khang dân 18, Bao thai, năng suất bình quân đạt 3,2- 3,5 tấn/ha, có nơi chỉ đạt 2 tấn/ha. Lúa phần lớn được gieo trồng trong vụ mùa, đối với vụ xuân nhiều diện tích không chủ động được nguồn nước tưới hoặc triển khai muộn nên việc luân canh hàng năm càng khó khăn. Diện tích cây màu hàng năm chỉ triển khai gieo trồng 1 vụ/năm với đa dạng các loại giống cây như các loại rau xanh, cây lạc, đậu tương, vừng...nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Đối với cây ngô, đây là địa bàn trồng tập trung chủ yếu với tổng diện tích trên 4.500 ha chiếm hơn 77,6%. Dù hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều trồng ngô, tuy nhiên, năng suất hiện nay còn thấp trong đó nguyên nhân chủ yếu do kỹ thuật canh tác chưa đảm bảo, chịu rủi ro do thời tiết, dịch bệnh khiến chất lượng ngô hạt không cao, sản lượng không lớn. Theo số liệu thống kê sản lượng ngô hàng năm tại Quảng Ninh khoảng 23.000 tấn/năm trong khi nhu cầu sử dụng ngô làm thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cần khoảng 250.000 tấn đồng nghĩa với việc sản lượng ngô trên địa bàn tỉnh mới đáp được khoảng 12-15% nhu cầu, phần còn lại đều phụ thuộc vào nguồn nhập từ các địa phương khác.
Nhận thức rõ điều này, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Đề án Chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2017 với mục tiêu ứng dụng quy trình kỹ thuật, đưa các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả, vùng đất chưa chủ động nước sản xuất sang trồng ngô năng suất cao, chất lượng tốt nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, tạo vùng ngô nguyên liệu tập trung cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, xây dựng chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất. Mục tiêu cụ thể là hàng năm các huyện tham gia đề án tổ chức tập huấn tuyên truyền, giới thiệu kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống ngô mới hiệu quả cao cho nông dân. Xây dựng mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản với quy mô 1.679 ha (gồm 45 ha mô hình trình diễn và 1.634 ha nhân rộng). Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động. Xây dựng kho chứa, nhà sơ chế tại 6 điểm thu mua (01 điểm/huyện) nhằm tạo các đầu mối thu gom, sơ chế sản phẩm. Căn cứ nội dung Đề án được phê duyệt, theo đó các địa phương đã bám sát nội dung Đề án, tình hình thực tế sản xuất tại địa phương để tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng các giống ngô có năng suất cao, thích hợp với điều kiện thực tế tại khu vực miền Đông.
Kết quả đạt được cụ thể: Giai đoạn 2015-2017, đã tổ chức được 35 lớp tập huấn cho 2.029 lượt nông dân trong vùng triển khai đề án. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp nông dân nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngô. Vì vậy, người dân thay vì trồng 2-3 hạt/hốc bằng trồng 1 hạt/hốc qua đó giảm chi phí giống và giúp cây sinh trưởng phát triển tốt hơn, năng suất ổn định hơn. Kết quả nhân rộng diện tích trồng ngô, năm 2015 đã chuyển đổi 45 ha/45 ha (mô hình) bằng 100% kế hoạch; năm 2016, triển khai nhân rộng được 398,25 ha/777 ha đạt 51,25%; năm 2017, triển khai nhân rộng được 569 ha/857 ha đạt 66,4% kế hoạch. Cụ thể, đánh giá chung về năng suất tại các điểm mô hình cho thấy thấp nhất đạt 50 tạ/ha (cao nhất 70 tạ/ha), doanh thu trồng ngô đạt 35-50 triệu đồng/ha/vụ so với lúa chỉ đạt 30-32 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ các khoản chi phí, trồng ngô cao sản cho lãi cao hơn so với lúa từ 7-10 triệu đồng/ha. So sánh với thu nhập từ một số loại cây màu (lạc, đậu tương…) không có sự chênh lệch nhiều, tuy nhiên việc trồng màu tốn rất nhiều công chăm sóc và thời gian sinh trưởng dài nên sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư thì chủ yếu là lấy công làm lãi. Về kết quả hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất ngô, năm 2016, các địa phương đã xây dựng và hỗ trợ 18 máy làm đất, 05 máy tẽ ngô trong đó huyện Đầm Hà hỗ trợ 04 máy làm đất; huyện Hải Hà hỗ trợ 14 máy làm đất, 11 máy tẽ hạt (Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 06 máy tẽ hạt tại Ba Chẽ). Năm 2017, huyện Hải Hà tiếp tục hỗ trợ 02 máy làm đất và 02 máy tẽ ngô công suất cho các hộ sản xuất. Việc cơ giới hóa đã làm giảm chi phí đáng kể (50-70%) cho nông dân cũng như giúp nông dân có thể chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, giảm áp lực về lao động mỗi khi vào vụ mới. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ nên chưa phát huy được hết hiệu quả của các loại máy này. Về xây dựng khu thu gom, chế biến ngô, theo nội dung Đề án dự kiến sẽ xây dựng mỗi địa phương 01 điểm thu mua, sơ chế tập trung, dù vậy, hiện nay duy nhất có Ba Chẽ đã triển khai hỗ trợ 01 nhà xưởng sơ chế ngô quy mô 30 m² với 01 máy tẽ hạt công suất 5-7 tấn/giờ, 01 máy sấy công suất 2-5 tấn/giờ. Việc ứng dụng hệ thống nhà sơ chế, hệ thống sấy ngô vào sản xuất giúp nông dân chủ động trong việc phơi sấy ngô trong các mùa thu hoạch có ẩm độ cao (vụ xuân), giảm tỷ lệ ngô bị ẩm mốc, nâng cao chất lượng ngô sau thu hoạch. Tuy vậy, do nhu cầu xây dựng khu thu gom, chế biến ngô chưa thực sự cấp thiết với hầu hết các địa phương (người dân sản xuất chủ yếu tự cung tự cấp) nên nhu cầu sơ chế, sấy thấp; việc thu thu gom tập trung mới được áp dụng trên cây ngô sinh khối cung cấp cho Công ty TNHH Phú Lâm - Móng Cái.
Có thể nói, Đề án chuyển đổi diện tích đất lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản là hướng đi đúng đắn, kịp thời không chỉ giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng các giống ngô có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất (NK6654, NK4300…), từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Để đề án Chuyển đổi diện tích lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2017 tiếp tục phát huy hiệu quả trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ giá các loại hạt giống ngô có năng suất cao, chất lượng tốt được đánh giá phù hợp với các địa phương cho các vùng sản xuất ngô tập trung, vùng ngô sinh khối để tạo tiền đề phát triển sản xuất hàng hóa. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục chủ động mở rộng diện tích trồng ngô; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong bảo quản chế biến, cơ giới hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất ngô và xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để quản lý, chỉ đạo sản xuất cũng như làm đại diện trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất./.
Chu Văn Trí - Trung tâm KN Quảng Ninh