Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Cơ cấu ngành Nông nghiệp Hà Nội sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu về cơ cấu ngành Nông nghiệp mà Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.



Nâng cao giá trị, phát triển bền vững

Dù chịu tác động lớn từ quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, song huyện Thanh Oai vẫn duy trì tăng trưởng nông nghiệp ở mức cao. Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 1.858 tỷ đồng (tăng 4,2% so với năm 2020), chiếm 7,59% tổng giá trị sản xuất. Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, huyện đã đưa các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại giá trị lớn. Điển hình là mô hình lúa, cây ăn quả VietGAP, hữu cơ; mô hình trồng hoa lan công nghệ cao, lan nhân cấy mô; mô hình trồng rau thủy canh… Trong đó, nhiều mô hình đã có doanh thu 1-5 tỷ đồng/ha/năm.

Là địa phương đang trong lộ trình phát triển thành quận, trong nửa nhiệm kỳ qua, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của huyện Đông Anh đã có sự chuyển biến rõ nét. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng chia sẻ, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020-2025”. “Đến nay, huyện có 11 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn và hoa lan với diện tích là 7,23ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, hữu cơ đạt 20ha; phát triển 6 vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung với diện tích 800ha; vùng trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao có diện tích 100ha…”, ông Nguyễn Anh Dũng thông tin.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành Nông nghiệp Thủ đô là hơn 3%, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao (2,5 - 3%/năm). Đến nay, Hà Nội có 149 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu dùng được duy trì và phát triển, trong đó có 57 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, 92 chuỗi nguồn gốc trồng trọt.

“Các chuỗi đã tạo ra diện mạo mới, bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng”, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết thêm.

Công nghệ là yếu tố quyết định

Trong số 10 chỉ tiêu chưa đạt của Chương trình số 04-CTr/TU (so với kế hoạch năm 2022) có chỉ tiêu về thu nhập của người dân khu vực nông thôn và tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao (mới đạt 40%, kế hoạch là 50%)… Điều đó phản ánh việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy được nguồn lực của Thủ đô. Dẫn chứng cụ thể, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho hay, dù đã xây dựng vùng sản xuất hơn 650ha, song hợp tác xã chưa đầu tư được hệ thống phơi, sấy công nghệ cao, quá trình ứng dụng công nghệ mới chỉ dừng ở một số khâu...

Để đạt được mục tiêu về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp mà Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, Sở sẽ rà soát, tham mưu với thành phố cơ chế, phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng chính sách ưu đãi, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến sâu... Ngoài ra, căn cứ vào quy hoạch của các địa phương, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với thực tiễn, ổn định cung cầu, tránh phải "giải cứu" nông sản.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, ngành Nông nghiệp thành phố cần coi chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, là yếu tố quyết định. Thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền liên quan đến đất đai, thời hạn cho thuê đất, xây dựng công trình trong sản xuất nông nghiệp để khuyến khích cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp.

“Ngành Nông nghiệp Hà Nội cần khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô về khoa học, công nghệ, vốn, thị trường…, tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi, quan tâm đến lĩnh vực thủy sản, dịch vụ nông nghiệp đô thị, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh./.

NB (Theo Báo HNM)