Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh liên kết phát triển các giống đặc sản cho Thủ đô

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân cũng như du khách đến với Hà Nội, Thành phố cũng đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, từng bước kết hợp với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để phát triển các cây, con giống đặc sản, chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi ha diện tích.



Nhờ thực hiện tốt việc bảo tồn, khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, Hà Nội đã phục tráng và nhân rộng thành công nhiều giống cây trồng, vật nuôi đặc sản. Đây là động lực giúp các đặc sản của Thủ đô phát triển thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Lê Văn Phương, Giám đốc HTX Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội hiện có giống bưởi đỏ đặc sản được trồng tập trung tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Với mẫu mã đẹp nên nhiều năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên trong dịp tết, cây bưởi đỏ đã trở thành cây đặc sản của người dân Đông Cao. Thôn Đông Cao có khoảng 7,7 ha trồng cây ăn quả trong đó có 4 ha bưởi của HTX bưởi đổ Đông Cao. Trung bình mỗi năm Đông Cao cho ra thị trường khoảng 8.000 quả bưởi với giá 90 - 100 nghìn đồng/quả. Xã Tráng Việt cũng đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho cây bưởi đỏ nhờ vậy đã mang lại giá trị kinh tế cho người dân trồng bưởi.

Ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, đối với huyện Mỹ Đức xác định rõ nông nghiệp vẫn là nền tảng trong việc đảm bảo đời sống, thu nhập của người dân, với tiềm năng du lịch làng nghề, du lịch tâm linh sẵn có, huyện Mỹ Đức cũng đang tập trung quy hoạch các điểm nông nghiệp du lịch trải nghiệm, phát triển giống mơ Hương Tích và đưa các giống lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng an toàn và theo quy trình hữu cơ để nâng cao giá trị hàng nông sản. Thực tế, huyện Mỹ Đức cũng đã xây dựng được vùng trồng lúa hữu cơ 20 ha tại xã Mỹ Thành và vùng trồng sen kết hợp du lịch hơn 300 ha tại xã Hương Sơn và An Phú.

Ông Nguyễn Như Hảo, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh bưởi Quế Dương, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức chia sẻ, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thành phố hiện có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, trở thành thương hiệu nổi tiếng, được đưa vào danh mục những nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương có giải pháp tăng diện tích, sản lượng, đưa nông sản trở thành sản phẩm chủ lực của Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, thành phố Hà Nội cũng đang phối hợp với các nhà khoa học và các đơn vị doanh nghiệp để tìm hướng bảo tồn và phát triển hiệu quả giống Vịt cỏ Vân Đình, huyện Ứng Hòa, rau muống Linh Chiểu, huyện Phúc Thọ, rau sắng chùa Hương của huyện Mỹ Đức, rau húng Láng, rau cải mơ Hà Nội, cải mào gà của huyện Hoài Đức... Hà Nội không có lợi thế về diện tích đất nông nghiệp lớn như các địa phương khác, nhưng một lợi thế của Hà Nội đó là nơi tập trung rất nhiều Viện nghiên cứu. Bởi vậy, việc tận dụng các Đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyển giao các cây con giống đặc sản, chất lượng cao cho người nông dân của Hà Nội phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu đang là định hướng mà các địa phương của Hà Nội hướng tới.

Hiện Thành phố Hà Nội đã và đang tăng cường đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất song song với việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa như gà Mía Sơn Tây, Vịt cỏ Vân Đình để phục vụ công tác lai tạo giống cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất. Đối với chăn nuôi vịt, vùng trọng điểm sản xuất giống vịt được phát triển tập trung tại 2 huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa và xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển giống vịt cỏ tại huyện Ứng Hòa.

Đặc biệt, hiện nay, giống Vịt cỏ Vân Đình đang được nuôi giữ phục vụ công tác lai tạo giống tại các đơn vị nghiên cứu, khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển thành sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Trong hơn 5 năm qua, đã có 47 nhiệm vụ khoa học công nghệ được Viện phối hợp thực hiện với các sở, ngành của thành phố. Các chương trình hợp tác hướng đến nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi bản địa, đặc sản; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản; nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng bản địa; các biện pháp canh tác bền vững cây ăn quả đặc sản; ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)