Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Hà Nội đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện. Hiện tại, thành phố đang chuyển xây dựng nông thôn mới sang cấp độ cao hơn, đó là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.



Chuyển đổi số là một trong những yêu cầu đặt ra để xây dựng mô hình thôn thông minh, tiến tới xây dựng xã thông minh, giúp nông thôn ngày một văn minh, hiện đại, đời sống của người dân được nâng cao.

Mô hình thôn thông minh

Công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới xoay quanh 3 vấn đề chính: Phát triển chính quyền số, phát triển các chủ thể kinh tế số và phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư.

Từ thôn Hà Lỗ làm điểm xây dựng mô hình thôn thông minh, đến nay, xã Liên Hà, (huyện Đông Anh) đã nhân rộng mô hình ra 8/8 thôn. Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam cho biết, xã đã lắp đặt wifi miễn phí tại 8/8 nhà văn hóa thôn; lắp camera giám sát an ninh tại các trục đường giao thông chính. Xã Liên Hà đã phối hợp với các đơn vị, nhà cung cấp triển khai các hoạt động truyền thông, sử dụng công nghệ thông tin để tiếp cận với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, cứu hỏa, chăm sóc sức khỏe... Trên địa bàn xã có 7 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi. Với cây lúa, xã triển khai khoanh vùng sản xuất lúa tập trung giống TBR 225, sử dụng phun thuốc trừ sâu bằng máy bay điều khiển từ xa. Liên Hà cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cuối năm 2022.

Không chỉ với Liên Hà, gắn với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, trên địa bàn thành phố còn có nhiều mô hình thôn thông minh khác. Xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 và đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Xã đã chọn thôn Đặng để xây dựng mô hình thôn thông minh. Ông Trần Văn Quyến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đặng chia sẻ: “Thôn có 405 hộ gia đình, 1.650 nhân khẩu. Chúng tôi thành lập Tổ công nghệ số có 15 thành viên, chia thành 5 tổ, mỗi tổ 3 người đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân kích hoạt Zalo, cài đặt ứng dụng VNeID; VssID; ví điện tử; sổ sức khỏe điện tử… Nếu như trước đây, thôn có việc gì, chúng tôi phải thông báo trên hệ thống truyền thanh của thôn nhiều lần, thì nay thông tin được gửi qua các nhóm Zalo để người dân trao đổi cũng như nắm bắt được thông tin nhanh hơn”.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, bộ Tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình thôn thông minh, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội. Đây là một trong những nội dung mới trong thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025.

Để nông thôn tiệm cận với đô thị

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 7/2023, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Mục tiêu của thành phố giai đoạn 2021-2025 là xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị, khi một số huyện phát triển lên quận.

Chuyển đổi số là mục tiêu mà toàn thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo triển khai và ngành Nông nghiệp & PTNT cũng không ngoại lệ. Thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các xã chọn xây dựng điểm ở một thôn, sau đó triển khai ra địa bàn các thôn khác, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Trước đó, thành phố đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR. Đặc biệt, từ năm 2021, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, hiện đơn vị đang dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 để trình UBND thành phố xem xét phê duyệt. Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu với thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số./.

TA (Theo Báo HNM)