Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, nước ta hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn ở khu vực Đông Nam Á. Hiện cả nước có đàn trâu là 2,2 triệu con, đàn bò 6,4 triệu con, đàn lợn trên 26,3 triệu con, đàn gia cầm 559 triệu con.
Riêng tại thành phố Hà Nội - địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm thuộc tốp đầu cả nước, trong quý I/2024, tổng đàn lợn của Hà Nội là 1,45 triệu con, tăng 1,7%; đàn trâu 29,3 nghìn con, tăng 2,1%; đàn bò 127 nghìn con, giảm 1,6%; đàn gia cầm 40,6 triệu con, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, gây khó khăn cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún… Đây cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc ngăn chặn, quản lý và phòng ngừa dịch bệnh động vật. Bên cạnh đó, cùng với thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng, rét đậm rét hại kéo dài nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm là rất cao. Thực tế tại Hà Nội cũng như trên cả nước đã xảy ra nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có các bệnh xuyên biên giới trên gia súc, gia cầm gây thiệt hại lớn đến kinh tế.
Một số bệnh động vật xuyên biên giới nguy hiểm như bệnh: Lở mồm long móng trên trâu bò và lợn; bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, bệnh tai xanh, dịch tả lợn Châu phi trên lợn; bệnh cúm gia cầm H5N1 trên gia cầm... các bệnh trên chủ yếu do virus gây ra nên có tốc độ lây lan nhanh, rộng tác động và ảnh hưởng đến cộng động.
Việt Nam là nước có đường biên giới dài, đường bộ giáp với Trung Quốc, Lào, Camphuchia; tổng chiều dài đường biên giới đất liền của Việt Nam khoảng 4.555 km. Ngoài ra Việt Nam còn có đường biên giới trên biển giáp với một số nước, do vậy nguy cơ lây nhiễm bệnh động vật nguy hiểm xuyên biên giới vào Việt Nam cũng rất lớn.
Thành phố Hà Nội lại là Thủ đô của cả nước, nơi gặp gỡ, giao lưu, trung chuyển của nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch với nhiều tỉnh, thành cửa ngõ phía Bắc. Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, để phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm xuyên biên giới, Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước cần nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó các cấp, các ngành áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi đi kèm phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & PTNT. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả về chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh từ khâu chọn giống đến các quy trình chăn nuôi, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, vaccine, vệ sinh phòng bệnh. Đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch có hiệu quả ngay từ cơ sở, không để phát sinh diện rộng.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch trong chăn nuôi, đẩy nhanh tiến độ chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi tập trung giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ cao cũng là giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, phát triển bền vững. Đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm trong chăn nuôi, phòng chống dịch tạo sự đồng bộ trong quản lý, thực thi pháp luật của người dân.
Tăng cường phương thức chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là các quy trình về chăm sóc nuôi dưỡng, hạn chế người ra vào khu chuồng nuôi; xuất nhập, vận chuyển động vật, thức ăn thuốc thú y, trang thiết bị chuồng nuôi. Thực tế cho thấy, khi xảy ra một số dịch bệnh động vật xuyên biên giới (như dịch tả lợn châu Phi, cúm A H5N1, lở mồm long móng …) các cơ sở chăn nuôi nào ứng dụng tốt, có hiệu quả các biện pháp trên đều thành công và hạn chế tối đa những rủi ro do dịch bệnh.
Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của bệnh động vật xuyên biên giới và những tác động, ảnh hưởng của loại bệnh động vật này đến hiệu quả chăn nuôi, thương mại và yêu tố tâm lý, xã hội, tập trung hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Bằng nhiều hình thức thông qua truyền thông, đào tạo, tập huấn đến các đối tượng kể cả người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà chuyền môn để tạo sự đồng bộ từ trên xuống dưới cùng thực hiện.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật xuyên biên giới, thường xuyên chia sẻ thông tin về dịch bệnh, kinh nghiệm phòng chống giữa các nước, nhất là các nước có chung đường biên. Thực hiện việc ký kết hợp tác trên lĩnh vực về chăn nuôi an toàn sinh học, các giải pháp chống dịch. Đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật, dụng cụ trang thiết bị hoá chất tiên tiến hiện đại giữa các nước, có như vậy công tác phòng chống bệnh động vật xuyên biên giới sẽ ngày càng hiệu quả./.
NT (Theo www.chinhphu.vn)