Về chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, chế biến nông lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm áp dụng HACCP, GMP… để quản lý logistic kho bãi, bảo quản, xúc tiến liên kết chuỗi, tiêu thụ. Ứng dụng kênh thương mại điện tử qua các nền tảng xã hội như facebook, zalo, tiktok…để kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ giám sát chất lượng để theo dõi điều kiện sản xuất, từ đó kiểm soát chất lượng nông lâm thủy sản.
Về chuyển đổi số trong công tác phát triển thị trường nông lâm thủy sản, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử như buudien.vn, voso.vn… Nhờ đó năm 2024 số lượng nông sản trên các sàn thương mại điện tử đã tăng 30% so với năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản cũng đã ứng dụng marketting số để quảng bá, xây dựng thương hiệu, giúp tăng cường nhận diện và thu hút khách hàng trong và ngoài nước.
Thành phố còn đưa vào sử dụng một số cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế số như: CSDL truy suất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản thủy sản, sản phẩm OCOP; phần mềm trực tuyến kiểm tra kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản; CSDL trồng trọt và BVTV, chăn nuôi và thú y; CSDL quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; CSDL thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.
Các đơn vị của sở đều cử đầu mối có tài khoản quản trị ứng dụng công dân Thủ đô số (iHanoi) để tiếp nhận và tham mưu giải quyết triệt để các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Riêng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp & PTNT) đã tạo nhóm zalo về lĩnh vực ATTP ngành nông nghiệp gồm gần 700 thành viên là đại diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn, tạo không gian trao đổi thông tin, tương tác với cơ quan quản lý. Đồng thời là kênh để các doanh nghiệp, cơ sở kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Qua thời gian triển khai khá ngắn, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội bước đầu đã tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Một số phần mềm ứng dụng công nghệ số trong tạo lập dữ liệu, cung cấp dịch vụ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đạt hiệu quả như: hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội; phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức ATTP nông lâm thủy sản cho đối tượng là chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông sản…
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn là mới, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể nên bước đầu triển khai còn lúng túng. Việc ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản như áp dụng IoT, cảm biến trong tối ưu hóa hoạt động sản xuất vẫn chưa được nhiều. Nguồn nhân lực và vốn đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng ở một số công đoạn trong chuỗi liên kết.
Việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử giúp nông dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng ở nhiều khu vực, giảm sự phụ thuộc vào các chợ truyền thống. Việc ứng dụng tự động hóa và công nghệ số trong chế biến nông lâm thủy sản giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí lao động và đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh./.
TX (Theo nongnghiep.vn)