Khai thác tối đa nguồn lực từ đất
Thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 3.000 ha diện tích trũng, cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ cao, cho hiệu quả kinh tế. Điển hình như mô hình chuyển đổi từ vùng đất trũng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao “sông trong ao” của ông Đặng Văn Duân (xã Liên Bạt), mỗi năm nuôi 2 vụ cá trên diện tích 2ha, sản lượng cao gấp 2 - 3 lần điều kiện nuôi trong ao thường.
Theo ông Duân, phải đưa công nghệ, khoa học, kỹ thuật vào nuôi trồng mới chấm dứt được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cho giá trị kinh tế cao, ổn định.
Tương tự, huyện Đan Phượng cũng rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đã mang lại thu nhập cao cho người dân, hạn chế được tình trạng đất lúa bị bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Xuân là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi trồng lúa sang trồng hoa ly tại xã Hạ Mỗ. Ông Xuân chia sẻ, trước đây gia đình ông trồng lúa, giá trị kinh tế rất thấp. Khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông đã chuyển sang trồng hoa ly theo hướng công nghệ cao, cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần cấy lúa.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng cho biết, để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, hình thành những vùng sản xuất tập trung. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn thành phố đã chuyển đổi được 899,18 ha; trong đó chuyển sang cây trồng hằng năm là 266,43 ha, cây trồng lâu năm 259,43 ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 113,88 ha.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, các địa phương đã linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm an toàn; hình thành các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ nông sản. Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại cây trồng hay hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung cho giá trị cao gấp 5 - 6 lần.
Không những vậy, việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng còn giúp nông dân khai thác tối đa nguồn lực từ đất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã khắc phục được tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp và tạo điều kiện cho người dân tích tụ ruộng đất…
Tránh chuyển đổi tự phát
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi đúng, song ngành Nông nghiệp Hà Nội cần phải giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng chuyển đổi sai mục đích, không đúng vùng quy hoạch.
Để thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Huyện cũng đã yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; kiên quyết xử lý những trường hợp chuyển đổi sai mục đích, chuyển đổi không làm thủ tục đăng ký với chính quyền địa phương, không đúng vùng quy hoạch, lợi dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để vi phạm các quy định về đất đai...
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người dân. Vì vậy, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp là xu thế đúng đắn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần định hướng tốt cho người dân trong chuyển đổi, tránh tự phát nhằm tạo tính bền vững cao, ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và giá cả thị trường. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, để các mô hình chuyển đổi mang lại giá trị kinh tế cao, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ quy mô hộ gia đình riêng lẻ sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất; lấy hiệu quả của sản xuất làm mục tiêu, canh tác theo quy hoạch, tạo đầu ra ổn định.../.
NT (Theo Báo HNM)