Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 12 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Phải kể đến những chuỗi tiêu biểu như: Chuỗi giá trị sản xuất lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, Chuỗi trứng gà sạch Tiên Viên, Chuỗi giá trị sản xuất Bưởi hữu cơ, bưởi VietGAP tại xã Nam Phương Tiến, …Trong những năm qua, UBND huyện Chương Mỹ đã xây dựng đề án “Phát triển chuỗi giá trị nông sản an toàn và bền vững huyện Chương Mỹ giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025” nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất an toàn trên địa bàn huyện với kinh phí thực hiện là trên 10,7 tỷ đồng. Huyện cũng đã phê duyệt hỗ trợ, tổ chức chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các nội dung về sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm thuộc dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, quả với tổng kinh phí thực hiện hơn 9,7 tỷ đồng; Phê duyệt hỗ trợ thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò cao sản với tổng kinh phí thực hiện trên 20 tỷ đồng. Ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm. Từ những quan tâm và đầu tư ban đầu, phát huy thế mạnh đặc trưng của vùng, huyện đã xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ đầu tiên của Hà Nội áp dụng công nghệ thâm canh tiên tiến của Nhật. Theo bà Trịnh Thị Nguyệt – Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú “Từ diện tích ban đầu, 5ha triển khai Dự án sản xuất lúa hữu cơ do tổ chức JICA hỗ trợ năm 2012, đến nay, xã đã mở rộng diện tích lên hơn 40ha sản xuất lúa hữu cơ mỗi vụ;đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa thông thường, không những thế nơi đây còn tạo lên môi trường sống trong lành và giúp nông dân đoàn kết sản xuất theo nhóm hộ”. Sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú cũng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và xuất sang thị trường một số nước như Đức... Để nhân rộng mô hình, song song với việc quy hoạch và phát triển các vùng trồng lúa trọng điểm. Vụ Xuân 2020, toàn huyện có tổng diện tích 5.682 ha lúa chất lượng cao và một số giống lúa đặc sản, chiếm 63,4% diện tích trồng lúa của huyện.
Mang đặc trưng của vùng đất bán sơn địa, huyện Chương Mỹ đã quy hoạch vùng chuyên canh cây bưởi Diễn tại 7 xã, thị trấn với khoảng 656ha, trong đó 20ha đang sản xuất theo phương pháp hữu cơ, bảo đảm quy trình VietGAP tại các xã Nam Phương Tiến, Hữu Văn và thị trấn Xuân Mai. Hiện tại, diện tích đã cho thu hoạch quả là 373 ha, năng suất ước đạt 25,5 tấn/ha; tổng sản lượng ước đạt 9.511 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 150 tỷ đồng. Người trồng bưởi nơi đây đã liên kết lại với nhau thành lập Hợp tác xã để thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau thay đổi hình thức sản xuất, chuyển sang thâm canh chăm sóc theo hướng VietGAP và hữu cơ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây bưởi. Ông Phùng Văn Hà – Giám đốc HTX bưởi Núi Bé, xã Nam Phương Tiến cho biết: “Xã hiện có diện tích trồng bưởi Diễn lớn nhất của huyện với gần 300ha, trong đó trên 150ha đang trong độ tuổi cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế trung bình từ 500-700 triệu đồng/ha. Nhờ trồng bưởi Diễn mà nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên làm giàu, đời sống ngày một đổi thay”.
Phát triển sản xuất rau an toàn cũng là một trong những thế mạnh của huyện, toàn huyện hiện có 382ha sản xuất rau chuyên canh. Các vùng sản xuất rau đã được xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng. Riêng 2 vùng rau lớn của huyện tại thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương với diện tích 145,5ha đã có 5 công ty, đơn vị đến thuê đất, liên kết với nông dân phát triển vùng rau an toàn VietGAP, hữu cơ. Không dừng lại ở đó, huyện đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với hệ thống nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt tại Chúc Sơn, đồng thời ứng dụng hệ thống camera giám sát và truy xuất minh bạch rau VietGAP trên điện thoại thông minh, nhờ đó, sản phẩm rau VietGAP Chúc Sơn có đầu ra ổn định. Mỗi năm vùng rau của huyện đã cung ứng cho thị trường Hà Nội hơn 19.000 tấn rau các loại.
Bên cạnh việc phát triển những cây trồng chủ lực, huyện cũng chú trọng tập trung đầu tư cho phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững. Toàn huyện có 7 xã chăn nuôi lợn, gia cầm trọng điểm, 9 xã có khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, 7 xã có vùng nuôi thủy sản tập trung…Tổng số trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện là 568 trang trại. Huyện đã triển khai chương trình phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ. Huyện đã hỗ trợ nâng cao chất lượng đàn giống, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, cải tạo đàn bò hiện có, đồng thời khuyến khích các cơ sở, hộ chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăm sóc và nuôi dưỡng để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Điển hình phải kể đến là chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm trứng Tiên Viên được Công ty Cổ phần Tiên Viên xây dựng và tổ chức hoạt động với 8 trang trại chăn nuôi theo quy mô khép kín, hiện đại với quy mô 150.000 gà đẻ. Công ty còn liên kết với 15 trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ chăn nuôi tại địa phương, mỗi tháng công ty cung cấp cho thị trường khoảng 3 – 4 triệu quả trứng. Theo ông Đặng Đình Tiên – Giám đốc Công ty Cổ phần Tiên Viên cho biết “Các trang trại của công ty và trang trại chăn nuôi vệ tinh đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín và được kiểm soát chặt chẽ, trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi được đầu tư theo tiêu chuẩn hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; sản phẩm của công ty được tiêu thụ rộng khắp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Năm 2020, huyện Chương Mỹ phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tăng 6,5%. Để đạt mục tiêu trên, UBND huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể như sau: Quan tâm triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp. Tăng cường áp dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến và cơ giới hóa trong ngành trồng trọt. Chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp để phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại; Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu; thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao./.
Ngọc Bích