Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chú trọng quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật

Thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng công tác quản lý dịch bệnh, kiểm dịch, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra, vào thành phố. Qua đó, nhằm ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.



Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phương Thủy, chăn nuôi của tỉnh đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa cho năng suất, chất lượng hiệu quả cao, với 100 trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã kiểm dịch 5.700 con trâu, bò; 905.600 con lợn giống và thương phẩm; hơn 50 triệu con gia cầm giống, hơn 8 triệu con gia cầm thương phẩm; 45 triệu quả trứng gia cầm các loại. Các sản phẩm động vật phần lớn xuất bán cho Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Do đó, tỉnh thường xuyên phối hợp với Hà Nội trong kiểm soát chất lượng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm động vật để kịp thời xử lý trường hợp vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, hiện dân số của Thủ đô là khoảng 10 triệu người (chưa kể khách vãng lai); thành phố có địa giới hành chính giáp với 8 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Phú Thọ, Hòa Bình), cùng nhiều tuyến giao thông nối liền với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chính vì vậy, Hà Nội luôn chú trọng công tác quản lý dịch bệnh, kiểm dịch, phúc kiểm động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra, vào thành phố, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hiện tại, Hà Nội có tổng đàn trâu, bò là 165.657 con; đàn lợn hơn 1,5 triệu con; đàn gia cầm gần 37 triệu con... Trong số 6.515 trang trại chăn nuôi của Hà Nội, có 91 trang trại quy mô lớn; thành phố cũng có 732 cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn thực phẩm, hiện nay, Hà Nội đang xây dựng mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn các huyện, thị xã theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020 của UBND thành phố Hà Nội.

“Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã thực hiện kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất, nhập với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đó, động vật các loại được kiểm dịch xuất đi các tỉnh có hơn 12 triệu con, giảm 10,43% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số động vật các loại được phúc kiểm, nhập về thành phố là hơn 6 triệu con, tăng 17,82%”, ông Nguyễn Đình Đảng cho hay.

Tuy nhiên, việc kiểm soát động vật hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Việc cung cấp thông tin kiểm dịch giữa các tỉnh, thành phố chưa đầy đủ, chi tiết; công tác quản lý cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển vẫn có sai sót. Việc triển khai xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật của các tỉnh, thành phố còn chậm. Một số tỉnh chưa xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ yếu giết mổ nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, khiến tỷ lệ sản phẩm động vật có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển vào Hà Nội còn thấp.

Liên quan đến việc này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ... Các tỉnh, thành phố cần chủ động thông tin về tình hình dịch bệnh, sản phẩm động vật xuất đi; các cơ sở giết mổ tập trung cần bảo đảm đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm. Các địa phương cũng cần chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh động vật, quản lý kiểm dịch sản phẩm động vật đã qua giết mổ lưu thông vào Hà Nội và từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác./.

NB (Theo Báo HNM)