Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chú trọng đến phát triển nông nghiệp xanh, tiêu dùng xanh

Để bắt kịp và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp xanh, tiêu dùng xanh phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chú trọng đến phát triển theo hướng đô thị xanh, trong đó có nhiều hợp tác xã, địa phương làm rất tốt về sản xuất nông nghiệp an toàn, xanh, sạch góp phần đưa người tiêu dùng sống gần hơn với tiêu dùng xanh.



Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, các mô hình sản xuất hữu cơ trên địa bàn, huyện Chương Mỹ đã chú trọng đến phát triển nông nghiệp xanh, tiêu dùng xanh. Bà Trịnh Thị Nguyệt, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ cho biết, đến nay diện tích sản xuất lúa hữu cơ của xã được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ đạt 42ha, nông dân sản xuất chặt chẽ theo quy trình hữu cơ nên đầu ra cho sản phẩm tương đối thuận lợi doanh nghiệp trực tiếp thu mua với giá bán cao hơn lúa thông thường khoảng 30%. Đến nay, gạo hữu cơ Đồng Phú không chỉ được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng mà còn được xuất khẩu sang thị trường khó tính như châu Âu và chào hàng các thị trường có tiềm năng như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hậu chia sẻ, năm 2008 vùng rau hữu cơ Thanh Xuân chỉ có diện tích khoảng 1,5ha; đến nay quy mô lên đến 31 ha sản xuất. Toàn bộ quy trình sản xuất rau hữu cơ được kiểm soát chặt chẽ từ sản xuất đến sơ chế đóng gói đúng quy cách, bao bì có logo, thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, mỗi ngày hợp tác xã sản xuất khoảng 5 tấn rau củ quả các loại, phân phối rộng đến các gần 100 các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Rau sạch Sói Biển, Bác Tôm, Eximax... cho doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm. Một số sản phẩm rau gia vị và bí xanh của hợp tác xã đã được xuất sang Pháp, Đức.

Theo, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn Chu Xuân Tân cho biết, khi chuyển sang sản xuất rau hữu cơ không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất mà còn mang lại sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Đặc biệt mô hình rau hữu cơ của Thanh Xuân còn góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, điều này phù hợp với xu thế của thế giới. Ngoài ra, xã Thanh Xuân là điểm đi đầu của thành phố và cũng là điểm để các tỉnh thành khác (Nghệ An, Huế, Cần Thơ…) và một số nước tiên tiến như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, trong những năm gần đây, trước sự biến đổi khí hậu, lối sống xanh được nhiều người quan tâm và dần trở thành xu thế của thời đại. Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhiều cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đang lựa chọn phương thức sản xuất xanh để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng đồng thời thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng – xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung. Hiện toàn thành phố có 2.000ha trồng trọt hữu cơ, 10,1 ha nuôi trồng thủy sản hữu cơ; để khuyến khích nông dân áp dụng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, ngành nông nghiệp Hà Nội đã có các chương trình hỗ trợ thông qua lồng ghép nguồn vốn chính sách nông nghiệp. Thực tế đã chứng minh so với sản xuất thông thường, các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Ưu việt hơn cả là giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất xanh

Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất, giám sát chặt chẽ và cần có thời gian dài để cải tạo chất đất, nguồn nước, không khí đến quy trình chăm sóc của người dân nên chi phí sản xuất cao. Do đó, để mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn hướng tới tiêu dùng xanh, Giám đốc Hợp tác xã rau công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối cho biết, các ngành chức năng cần định hướng quy hoạch để phát triển các sản phẩm ưu tiên; có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, để bảo đảm nông nghiệp xanh, các ngành chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sản xuất cũng như tiêu dùng của người dân, trong đó tập trung vào về vấn đề sử dụng bao bì tự phân hủy, đóng gói sử dụng được nhiều lần dành cho sản phẩm nông sản. Đối với những vùng sản xuất chuyên canh, khuyến cáo sử dụng năng lượng tiết kiệm, như vùng trồng hoa cúc sử dụng bóng đèn hiệu suất cao để chiếu sáng, thúc đẩy sinh trưởng và tiết kiệm hơn so với các hình thức khác. Ngoài ra, hằng năm trung tâm sẽ hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình khuyến nông VietGAP và theo hướng hữu cơ làm tiền đề để sau 3 - 5 năm sẽ xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn, chất lượng cao. Để kiểm soát chất lượng, các hợp tác xã cần thành lập ban điều hành, thanh tra giám sát sản xuất của các hội viên, kiểm tra định kỳ, đột xuất, nếu có một nhóm vi phạm thì sẽ đình chỉ luôn nhóm đó, khi nào khắc phục được mới cho tham gia lại hệ thống sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5% - 2% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1% - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi. Ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, được kiểm soát chặt chẽ; sản phẩm được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia, quốc tế về nông nghiệp hữu cơ; các địa phương cần có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo hướng đồng bộ từ hạ tầng sản xuất, tập huấn kỹ thuật đến xây dựng thương hiệu.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm nông nghiệp an toàn có nhu cầu lớn, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương; tăng cường tổ chức hội chợ, ứng dụng internet để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ vào các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển một cách bền vững./.

TA (Theo www.chinhphu.vn)