Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăm sóc lúa xuân giai đoạn đẻ nhánh

Vụ xuân là vụ sản xuất lúa chính trong năm. Một số diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Thời kỳ đẻ nhánh, cây lúa phát triển nhanh và mạnh về số dảnh, số lá và bộ rễ do vậy đây là thời kỳ quyết định đến số lá và số bông trên khóm.



       Để giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và tăng tỷ lệ nhánh hữu hiệu nhằm đạt năng suất cao nhất thì ngay từ đầu vụ cần tập trung làm tốt một số việc sau đây:

  1. Cấy dặm: Tiến hành dặm những khoảng lúa chết do rét hoặc khoảng mất trống để đảm bảo mật độ.
  2. Chế độ dinh dưỡng:

            Tất cả các trà lúa đều phải bón thúc sớm, tập trung, không bón phân nhiều lần đặc biệt là bón đạm muộn làm cho lúa đẻ nhánh lai rai, sinh ra nhiều nhánh vô hiệu. Nên bón phân chuyên dùng cho cây lúa để bổ sung các chất dinh dưỡng cân đối, cần thiết phù hợp với giai đoạn này của cây lúa giúp lúa đẻ nhánh khỏe, tập trung và hạn chế sâu bệnh hại.

            Lượng bón: Lượng phân tính cho 1 sào (360 m2), đối với lúa thuần bón 4,3-5 kg phân đạm urê + 1,8-2,2 kg phân kali; đối với lúa lai bón 5,8-7,2 kg phân đạm urê + 2,2-2,5 kg phân kali. Khi bón thúc lần 1 cho cây lúa phải kết hợp sục bùn, làm cỏ bằng tay giúp cho bộ rễ thoáng khí, cây sinh trưởng thuận lợi. Sục bùn lúc này đất còn mềm dễ làm, giảm công lao động và cỏ mới mọc dễ chết bởi hạt cỏ lúc này đa số chưa nảy mầm sẽ bị vùi sâu. Đồng thời sục bùn giúp cho việc hòa phân và vùi sâu phân vào đất, hạn chế sự bay hơi, rửa trôi các loại phân vô cơ khi bón cho cây, giúp cây lúa sử dụng nguồn dinh dưỡng sớm, kích thích đẻ nhiều nhánh.

            Lưu ý không nên bón đạm khi nhiệt độ xuống dưới 15°C.

  1. Chế độ nước tưới:

            Từ sau khi cấy đến lúa đẻ nhánh rộ luôn duy trì mực nước trong ruộng 2-3cm giúp lúa nhanh bén rễ hồi xanh và tạo điệu kiện thuận lợi cho cây lúa đẻ nhánh, đồng thời cũng chống rét cho lúa. Khi lúa đạt số nhánh tối đa thì rút cạn nước, phơi khô mặt ruộng từ 5- 7 ngày, sau đó đưa nước vào nhằm hạn chế quá trình đẻ nhánh của cây lúa.

  1. Thường xuyên thăm đồng:

             Kiểm tra tình hình sâu bệnh hại, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa. Lúa vụ xuân đầu vụ thường có một số sâu bệnh hại như bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh rầy nâu./.

Nguyễn Thị Giang – Trạm KN Chương Mỹ (St)