Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăm sóc lúa vụ xuân 2019

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tháng 2 sau cấy còn có rét, đặc biệt có 1 – 2 đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây lúa. Để chủ động giành vụ xuân thắng lợi trong mọi loại hình thời tiết, cần lưu ý một số biện pháp chăm sóc lúa xuân như sau:



  Chế độ nước tưới:

Khâu điều tiết nước rất quan trọng  nó có thể quyết định đến khả năng chống chịu, hiệu lực phân bón và phòng trừ sâu bệnh sau này.

 Vụ xuân nên lấy nước làm áo, sau cấy luôn giữ một lớp nước nông trên mặt ruộng: vừa giữ ấm cho cây lúa giúp cho cây nhanh bén rễ hồi xanh đồng thời thuận lợi cho việc sử dụng thuốc trừ cỏ và ốc bươu vàng. Nếu để ruộng khô gặp rét lúa có thể bị chết.

    * Từ khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh thực hiện phương châm tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi: tưới nông và giữ ẩm xen kẽ để tạo điều kiện cho mùn giun phát triển, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung; không để ruộng khô cỏ sẽ mọc nhiều. Khi lúa đẻ nhánh kín đất thì tháo cạn nước để lộ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây.

  1. Dặm tỉa:

Không nên để ruộng quá dày lúa sẽ đẻ ít, tỷ lệ bông hữu hiệu thấp sâu bệnh nhiều. Đồng thời nên dặm vào những chỗ cây chết, cây yếu để sớm ổn định mật độ.

Những giống đẻ khoẻ như lúa lai, BC15… 30-32 khóm/m2, 1-2 dảnh/khóm và đối với lúa đẻ trung bình như Q5, TBR25… 35 – 40 khóm/m2, 1- 2 dảnh/khóm.

     Dặm tỉa càng sớm càng tốt nên kết thúc trước khi cây lúa đẻ nhánh.

3.Thuốc trừ cỏ và ốc bươu vàng:

Về thuốc trừ cỏ: Vụ xuân nếu có mưa phùn cỏ mọc rất nhanh do đó nếu không diệt trừ cỏ dại tốt vừa là nơi trú ngụ sâu bệnh và cạnh tranh dinh dưỡng của cây lúa.

 Lưu ý: Khi mật độ cỏ lồng vực quá cao nên sử dụng thuốc trừ cỏ đặc trị như Ankill.

Khi sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm cần lưu ý mực nước nông đều khắp mặt ruộng. Tuyệt đối không để ruộng quá khô hoặc quá nhiều nước sẽ gây hại cho lúa. Nên duy trì nước nông trong vòng khoảng 5-7 ngày để tăng hiệu lực của thuốc.

 Về phòng trừ ốc bươu vàng: Do ốc sinh sản nhanh gây hại cho lúa non, nhất là những ruộng có nhiều nước. Nếu mật độ ít thì nên bắt thủ công, nhiều thì dùng thuốc trộn với phân bón hoặc cát để vãi.

Đối với lúa gieo thẳng: sau khi đưa nước vào ruộng ốc sẽ theo đường nước vào gây hại cây con. Do vậy cần chủ động phòng trừ.

  1. Kỹ thuật bón phân thúc đẻ nhánh:

* Lúa thuần (Thiên ưu 8, TBR225, Kim cương 111, Khang dân 18, JO2,  nếp các loại...) với lượng phân bón/sào như sau:

- Đạm urê:  3 - 4 kg                    

- Kali       :  2 - 2,5 kg

* Đối với lúa lai (GS9, TH3-4,...) với lượng phân bón/sào như sau:

- Đạm urê: 3 - 4 kg                   

- Kali:       2,5 - 3 kg

Hoặc sử dụng phân bón NPK chuyên bón thúc cho lúa (lượng bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất)

 (Riêng lúa lai lượng phân bón tăng 5 - 10% so với lượng phân như trên)

Cách bón:

Khi nhiệt độ ngoài trời >15 độ C, khi lúa bén rễ hồi xanh, lúa bắt đầu đẻ nhánh thì tiến hành bón phân thúc.

+  Bón phân thúc lần 1 trước sau đó kết hợp dặm tỉa, cào cỏ sục bùn phá váng ngay, giúp cho lúa đẻ nhánh nhiều và tập trung có tác dụng diệt cỏ dại, giải phóng khí độc trong đất, vùi phân tránh mất đạm, bổ sung ôxy cho rễ, làm đứt rễ già và kích thích ra rễ mới.

 Lưu ý:

- Không nên sử dụng phân đơn để bón cho lúa, đặc biệt không được bón đạm lai rai sẽ kéo dài thời gian đẻ nhánh, làm cho lúa tốt lá, ruộng lúa không thông thoáng là điều kiện để sâu bệnh phát sinh gây hại. Tuyệt đối không bón phân đạm khi nhiệt độ <15 độ C.

  1. Xử lý hiện tượng nghẹt rễ do ngộ độc hữu cơ

Thường gặp ở chân ruộng trũng, ruộng chua, ruộng có nguồn nước thải của khu dân cư.

Biểu hiện lúa bị nghẹt rễ: Lúa sau cấy không phát triển hoặc chậm phát triển, cây lúa vàng đỏ, lúa không ra rễ mới hoặc rễ trắng rất ít, rễ thâm đen, có mùi thối và tanh, lúa bén rễ hồi xanh không đều và lụi tàn dần.

Biện pháp khắc phục: đưa nước vào ruộng lúa, làm cỏ sục bùn, sau đó tháo cạn nước để rửa trôi chất độc trong đất rồi bón vôi bột với lượng 20 – 30 kg/sào. Để ruộng khô 2 – 3 ngày mới đưa nước trở lại, bón phân lân với lượng 10 kg/sào và phân chuồng hoai mục. Phun phân bón lá kích thích lúa ra nhiều rễ trắng và ra lá mới thì mới bón phân thúc đẻ nhánh hoặc bón bổ sung bằng phân tổng hợp NPK.

  1. Phòng trừ sâu bệnh:

Thường xuyên kiểm tra thăm đồng để diệt ốc bươu vàng, chuột  và phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn địa phương./.

 Hà Thúy Tuyển – Trạm khuyến nông Chương Mỹ