Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăm sóc cây có múi trong thời kỳ mang quả

Cắt tỉa cho cây trồng nói chung, cây có múi nói riêng rất quan trọng. Có thể ví, cây trồng được cắt tỉa kịp thời như được bón thêm phân.



         

  1. Kỹ thuật cắt tỉa cây có múi

Cắt tỉa cho cây trồng nói chung, cây có múi nói riêng rất quan trọng. Có thể ví, cây trồng được cắt tỉa kịp thời như được bón thêm phân, vì không phải huy động dinh dưỡng cho duy trì các bộ phận vô hiệu trên cây.

Cắt tỉa đúng kỹ thuật sẽ giúp cây trẻ hóa tuổi sinh lý, tăng cường khả năng chống chịu, giảm thiểu sâu bệnh hại và kéo dài thời gian khai thác kinh doanh.

Hàng năm, ngoài cắt tỉa sau thu hoạch, cần cắt tỉa định kỳ hàng tháng, bao gồm cắt bỏ các cành tăm, cành vượt, cành già cỗi, cành sâu bệnh, cành mọc quá dầy trong tán, cành lộc xuân hè.

Bên cạnh đó, cần tỉa bớt các quả quá nhỏ, quả bị sâu bệnh, quả phát triển không cân đối. Ngoài ra, việc đào rãnh bón phân sau thu hoạch quanh hình chiếu tán cây, cũng giúp cây mở rộng bộ rễ, tăng khả năng hút khoáng và dinh dưỡng, thúc đẩy cây sinh trưởng, phát triển.

  1. Cách chăm sóc cây có múi

Sử dụng luân phiên NPK 13-13-13+TE, phân hữu cơ vi sinh và hạt đậu tương nghiền. Cắt tỉa và bón phân định kỳ cho cây 1 lần/tháng. Liều lượng bón/gốc từ 0,2-0,4kg NPK 13-13-13+TE, hoặc 3-5kg hữu cơ vi sinh + 2kg hạt đậu tương nghiền, tùy theo tuổi cây và khối lượng quả trên cây. Bón vôi khi pH đất < 6,0 (pH đất thích hợp là 6,5-7,0).

Lưu ý: Phải đảm bảo đất vườn đủ ẩm khi bón phân hữu cơ vi sinh. Phủ đất kín phân bón để tránh bị rửa trôi. Phun bón lá siêu kali từ 1-2 lần trước thu quả 20 ngày để tăng độ ngọt.

Tưới nước đảm bảo độ ẩm đất vườn thường xuyên ở mức 60-70% sức giữ ẩm đồng ruộng. Không dùng hóa chất trừ cỏ. Khi cần, cắt cỏ bằng máy, rồi thu gom cho tủ gốc giữ đất.

  1. Phòng trừ một số sâu bệnh hại chính trên cây có múi

3.1. Nhện đỏ, nhện trắng và nhện vàng

Chủ yếu phát sinh gây hại từ tháng 2-5. Gây hại nặng trong điều kiện thời tiết khô, nóng. Phun trừ bằng một trong các loại thuốc, Ortus 5SC, Dandy 15EC, Comite 68EC, Pegasus 86EC, Tập kỳ 3,6EC.

3.2. Sâu vẽ bùa

Thường gây hại trên các chồi, lá non. Sâu non mới nở đục qua lớp biểu bì để ăn phần nhu mô của lá cây, tạo ra đường ngoằn ngoèo màu trắng. Lá và chồi non bị sâu hại, sẽ biến dạng, giảm khả năng sinh trưởng.

Thuốc phòng trừ sâu vẽ bùa trên cây có múi gồm có, Confidor 100SL; Viserin 4.5EC; Vibamec 3.6EC; Selecron 500EC, Confidor 100SL… Phun khi chồi non mới nhú bằng hạt gạo.

3.3. Rệp cam (rầy mềm)

Chích hút nhựa, làm cho các lá non bị biến dạng, ảnh hưởng tới khả năng quang hợp của cây. Rầy mềm cũng làm cho trái cây bị nám, mã xấu, giảm chất lượng và giá trị thương phẩm. Phân của rầy mềm thải ra có chứa đường, hấp dẫn nấm đen đến bám trên lá, làm giảm quá trình quang hợp.

Rầy mềm còn là tác nhân truyền bệnh Tristeza, rất giống triệu chứng cây bị thiếu dinh dưỡng, làm cho các cành non bị khô rồi chết. Một số hoạt chất thường dùng trừ rầy mềm như, dầu khoáng DS 98,8EC; Vibamec 1.8EC; Trebon 10EC; Supracide 40EC; Suprathion 40EC.

3.4. Truyến trùng

Hại phần rễ cây làm cho cây còi cọc, sinh trưởng, phát triển kém. Biểu hiện ban đầu là, lá cây xoắn lại, sau héo úa và rụng. Phòng trừ, xử lý đất vườn bằng các thuốc bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất Emamectin benzoate hoặc Mancozeb; bón phân vi sinh có chứa nấm Trichoderma cũng có tác dụng phòng ngừa truyến trùng.

3.5. Bệnh Thán thư

Cơ bản gây hại trên lá và quả. Vết bệnh có màu vàng nâu hơi tròn, xung quanh có viền nâu đậm. Bệnh nặng, lá cây bị cháy từng mảng, cành non bị héo khô.

Nấm gây bệnh chủ yếu phát sinh trong điều kiện thời tiết có mưa, độ ẩm không khí cao. Khi phát hiện cây bị thán thư, cần phun trừ ngay bằng một trong các thuốc như, Rhidomil, Mancozel, Aliette, Boocđô 1­2%.

3.6. Bệnh Greening

Là bệnh đặc biệt nguy hiểm, hiện chưa có thuốc trừ đặc hiệu. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, có màu vàng, nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn xanh, nên thường gọi là bệnh vàng lá gân xanh.

Cây có múi bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh, phải đốn bỏ triệt để cả cây và rễ, rồi mang thiêu hủy. Biện pháp phòng ngừa, gồm sử dụng giống sạch bệnh, dùng bẫy màu vàng hoặc màu nâu để bẫy rầy chổng cảnh, bảo vệ các loài thiên địch (bọ rùa đỏ, kiến 3 khoang, ong ký sinh), trồng cây nguyệt quế thu hút rầy chổng cánh, sau dùng thuốc tiêu diệt, khi mật độ rầy cao dùng thuốc Confidor  hoặc Admire để phun trừ./.

Hà Thúy Tuyển (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)