Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăm bón khoai tây bằng phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển

Khoai tây thuộc nhóm cây trồng ưa lạnh có thời gian sinh trưởng ngắn 85 - 90 ngày, thích hợp trồng vụ đông ở các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc. Cây khoai tây ưa trồng trên chân đất thịt nhẹ pha cát chủ động tưới tiêu nước, đặc biệt thích hợp trên đất trồng hai vụ lúa có độ mùn >2%, pH từ 5,5 - 6,5 và tầng canh tác dày.



 

Thời vụ trồng vụ đông ở các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, thời vụ khoai tây xuân từ đầu tháng 12 đến cuối tháng 12, củ giống trước khi trồng phải sạch bệnh và được bảo quản qua kho lạnh.

Cây khoai tây từ khi nẩy mầm sau khi trồng đến khi thu hoạch có 3 giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Giai đoạn cây con được tính từ khi mầm cây nhú khỏi mặt đất và phát triển chiều cao từ 10 - 15cm. Giai đoạn này cây chủ yếu sử dụng dinh dưỡng từ củ giống, từ sau 15cm trở đi (25 ngày tuổi đến 45 ngày tuổi) giai đoạn này cây khoai tây chủ yếu phát triển chiều cao tăng đường kính thân, phát triển nhánh, cành, lá.

Giai đoạn sau trồng 40 ngày trở đi đến thu hoạch cây phân hóa tia củ, phình củ và nuôi củ lớn đồng thời tích lũy dinh dưỡng vào củ, trong 3 giai đoạn nêu trên thì giai đoạn phát triển chiều cao tăng trưởng thân lá và giai đoạn hình thành của là quyết định thắng lợi của vụ sản xuất, hai giai đoạn này cây khoai tây cũng cần rất nhiều chất dinh dưỡng.

Với tổng lượng dinh dưỡng này, giai đoạn sinh trưởng, phát triển và thành củ cây lấy đi khoảng 2/3 tổng lượng chất dinh dưỡng. Như vậy cây khoai tây không những chỉ cần NPK mà còn cần lượng canxi, magie, silic, lưu huỳnh cùng các chất vi lượng rất lớn.

Thực trạng đất trồng khoai tây hiện nay ở nước ta hầu hết đất chua hóa, pH <4,5. Trong đất còn rất thiếu vôi, magie, lưu huỳnh, silic và các chất vi lượng. Từ nhiều năm nay, bà con nông dân ở các vùng trồng khoai tây chưa hiểu biết cặn kẽ về thổ nhưỡng, về nhu cầu dinh dưỡng của cây khoai tây cũng như đặc tính đặc điểm của các loại phân bón vô cơ mà thường dùng phân bón theo cảm tính.

Bà con thường có thói quen sử dụng nhiều phân đơn (ure, supe lân, kali) đặc biệt lạm dụng phâm đạm quá nhiều. Bên cạnh đó, nhiều nơi sử dụng phân hỗn hợp NPK thông thường duy nhất chỉ có 3 thành phần dinh dưỡng là đạm, lân, kali, thiếu hầu như toàn bộ các loại chất dinh dưỡng trung lượng là vôi, magie, silic, lưu huỳnh và các chất vi lượng, bởi vậy cây khoai tây không đủ cung cấp các loại dinh dưỡng nên sinh trưởng phát triển yếu, đặc biệt nhiễm sâu bệnh như héo xanh, lở cổ rễ, làm giảm năng suất chất lượng củ.  

Để khắc phục những hạn chế trong sản xuất khoai tây trong nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển cho ra đời nhiều dòng sản phẩm phân bón chuyên dùng cho cây khoai tây. Tính khác biệt nhất của dòng sản phẩm này ở chỗ: Cân đối đạm, lân, kali và có đầy đủ vôi, magie, silic, lưu huỳnh với hàm lượng cao và 6 chất vi lượng xác định kẽm, bo, sắt, đồng, magan, cô ban mà hầu hết các loại phân bón thông thường không có được.

Công ty Cổ phần Phân lân Nung chảy Văn Điển xin giới thiệu tới bà con nông dân một số loại phân chuyên dùng bón thúc cho cây khoai tây:

- Phân đa yếu tố NPK 12.5.10 có thành phần dinh dưỡng: 12% N; 5% P2O5; 10% K2O; 5% CaO; 2% MgO; 4% SiO2; 11% S và 6 chất vi lượng xác định Zn, B, Mn, Fe, Cu, Co… tổng dinh dưỡng 49%.

Phân đa yếu tố NPK 12.8.12 có thành phần dinh dưỡng: 12%N; 8% P2O5; 12% K2O; 8% CaO ; 6% MgO; 9% SiO2; 6% S và 6 chất vi lượng xác định Zn, B, Mn, Fe, Cu, Co… tổng dinh dưỡng 61%.

Cách sử dụng các loại phân này như sau: Bón thúc cho cây khoai tây, sau trồng khoảng 18 - 20 ngày (khi cây cao 15 - 20cm) tiến hành bón thúc đợt 1: Xới nhẹ hai mép luống đối với luống trồng hàng đơn, xới giữa hai hàng với luống trồng hàng đôi, bón 15 - 17kg đa yếu tố NPK 12.5.10 hoặc đa yếu tố NPK 12.8.12/1 sào 360m2. Rải đều phân sau đó vun đất lấp kín phân, đợt bón này nên kết hợp với tưới, có thể tưới rãnh hoặc tưới gánh.

Sau bón thúc đợt 1 khoảng 20 - 25 ngày, tiến hành bón thúc đợt 2. Sử dụng 15 - 20kg/sào đa yếu tố NPK 12.8.12, rải đầy phân vào mép luống hoặc giữa hai hàng khoai, chú ý bón phân xa gốc, sau đó vét hết toàn bộ đất ở rãnh luống vun cao, để phòng ngập úng khi có mưa lớn cuối vụ đồng thời tạo điều kiện cho khoai hình thành của sớm, đợt bón này kết hợp với tưới lần 2.

Khoai tây thỏa mãn dinh dưỡng cả vụ sản xuất nên sinh trưởng phát triển khỏe, thân mập, ngọn nở, cuống lá to, bản lá dầy, có lớp phấn lông ở mặt lá và vỏ thân chống tốt các loại sâu bệnh; đặc biệt bệnh héo xanh, lở cổ rễ, khoai tây hình thành củ sớm, củ lớn đồng đều, khi thu hoạch thân, lá, vẫn còn xanh vàng, vỏ củ dày, ít bong tróc, sạch sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt, dễ tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu./.

                                                                                                               TT (Nguồn Báo NNVN)