Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cấp thiết tăng nguồn lực đầu tư cho hệ thống thủy lợi

Dự báo cuối tháng 5 và tháng 6 tới đây, hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện và kéo dài đến năm 2024, gây ra nhiều loại hình thời tiết, thiên tai dị thường. Trong khi đó, nhiều công trình thủy lợi của thành phố Hà Nội đang bị hư hỏng, xuống cấp, giảm hiệu suất, công năng, cần phải tăng nguồn lực đầu tư, thực hiện dự án để giảm nỗi lo cho người dân.



Trạm bơm Phù Lưu Tế 1 được xây dựng năm 1975 có nhiệm vụ tưới, tiêu cho hơn 1.120ha đất sản xuất nông nghiệp, dân sinh. Tuy nhiên, tại công trình này, nhiều vị trí tường, trần nhà trạm bơm bị nứt nẻ, bong tróc, phải che bạt để bảo đảm an toàn cho công nhân vận hành…

Anh Lê Công Tuấn Anh, công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức chia sẻ, để vận hành được các tổ máy của trạm bơm trên, công nhân khá vất vả. Động cơ cũ kỹ, công nghệ bơm lạc hậu, khi chạy được 2-3 ca, công nhân lại phải tắt, vận hành máy dự phòng để thay thế nhiệm vụ. Đề phòng sự cố về điện, công nhân thường xuyên phải ở trong nhà trạm để kiểm soát nhiệt độ động cơ… bằng tay và mắt, rất vất vả và nguy hiểm.

Tương tự, Trạm bơm tiêu Đốc Tín được xây dựng từ năm 1986, đang xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cho công nhân vận hành và không đủ năng lực tiêu úng cho 366 ha sản xuất nông nghiệp, dân sinh các xã: Đốc Tín, Vạn Kim của huyện Mỹ Đức. Theo anh Đào Văn Nam, công nhân Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Mỹ Đức, ngoài động cơ cũ, công nghệ bơm lạc hậu, nhà quản lý xuống cấp, sự cố mang cống tiêu tự chảy nằm phía dưới nhà trạm ngày càng nguy hiểm; công trình khó an toàn khi mực nước chênh cao giữa thượng lưu và hạ lưu nhà trạm...

Không riêng Mỹ Đức, nhiều công trình thủy lợi tại các huyện trọng điểm về úng ngập, hạn hán cũng đang xuống cấp. Đơn cử như các trạm bơm: Đầm Mới, An Sơn, Thượng Phúc, Yên Cốc (huyện Chương Mỹ); Sơn Đà, Trung Hà (huyện Ba Vì)… Ngoài ra, nhiều dòng sông: Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi, Cà Lồ... là trục tiêu chính của thành phố, nhưng đang bị bồi lắng, thu hẹp, làm giảm tốc độ lưu thoát nước.

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội), những năm qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi, như: An Mỹ, La Làng, Đức Môn (huyện Mỹ Đức); Nhân Lý, Đầm Buộm, Mỹ Thượng, Mỹ Hạ (huyện Chương Mỹ); Bộ Đầu (huyện Thường Tín); Văn Khê (huyện Mê Linh)… Tuy nhiên, do Hà Nội có số lượng lớn công trình thủy lợi xây dựng từ những năm 1960-1970, nên hiện vẫn còn nhiều công trình bị xuống cấp, giảm hiệu suất, công năng, tiêu tốn điện năng…

Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây và kéo dài đến năm 2024. Trong những năm xuất hiện El Nino, thời tiết, thiên tai sẽ rất phức tạp, khó lường, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước là rất cao và cũng không loại trừ khả năng xuất hiện những trận mưa cực lớn trong thời gian ngắn…

Để chủ động ứng phó với nguy cơ úng ngập, hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa, lũ. Trên cơ sở đó, Sở đã đề xuất cơ quan thẩm quyền ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng mới công trình thủy lợi; đồng thời lập phương án phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn đập hồ thủy lợi trong mùa mưa, bão năm 2023…

Trong khi chờ cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng thể cho giai đoạn 2023-2025; tăng cường duy tu, duy trì, nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương; xây dựng phương án trữ nước trong hệ thống kênh mương; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi đã được thành phố quyết định đầu tư…

Công trình thủy lợi không chỉ làm nhiệm vụ phòng, chống úng ngập, hạn hán, cải tạo môi trường mà còn là yếu tố quan trọng phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn, bảo đảm an sinh cho hàng triệu nông dân và người dân Thủ đô. Do vậy, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi là việc làm cấp thiết, không thể chậm trễ hơn./.

NB (Theo Báo HNM)