Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cán bộ hưu trí làm kinh tế giỏi

Ở tuổi 59, nhưng ông Cao Xuân Đình, nguyên là Phó Chủ tịch HĐND xã Liên Hà, huyện Lâm Hà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Dù tuổi cao, ông vẫn hăng hái tham gia sản xuất, làm giàu trên mảnh đất của mình. Sau khi về hưu (tháng 6/2020), ông đã bắt tay vào cải tạo vườn cà phê bằng giống mới cho năng suất cao, trồng sầu riêng, mắc ca, nuôi cá và đặc biệt đã phát triển đàn thỏ của mình lên gần 600 con, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.



Với diện tích gần 2,4ha, một phần cho con cái để chăm lo sản xuất, 1 ha diện tích đất còn lại 2 vợ chồng ông Đình dùng để tăng gia sản xuất, tạo nguồn thu nhập để an dưỡng tuổi già, vui thú điền viên. Trên diện tích gần 1ha đất vườn của mình, ông trồng 1.200 cây cà phê giống mới, 50 cây sầu riêng và 150 cây mắc ca đang cho trái bói năm đầu tiên. Đặc biệt, ông Đình dành 100m2 xây dựng chuồng trại để chăn nuôi thỏ, tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho gia đình. Từ 4 cặp thỏ ban đầu, hiện nay trại thỏ của gia đình ông duy trì trên 300 con thỏ thịt thương phẩm, gần 300 con thỏ con. Với 3 con thỏ đực giống, 40 con thỏ cái sinh sản, sau 40 ngày (từ lúc phối giống đến lúc sinh sản) trại thỏ của gia đình ông tăng lên 300 con thỏ con. Trung bình mỗi năm, trại thỏ của gia đình ông sản xuất được 2.400 - 2.500 con thỏ thịt thương phẩm. Từ khi bắt đầu nuôi (tháng 7/2020) đến nay, gia đình ông đã xuất bán được 2 lứa thỏ với hơn 5 tạ thịt thương phẩm. Theo ước tính của ông, nếu thị trường tiêu thụ ổn định, thịt thỏ bán trung bình 65.000 đồng/kg, sau 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng 2,5 - 3 kg/con, mang lại thu nhập cho gia đình ông 350-400 triệu đồng/năm.

Thức ăn của thỏ rất đơn giản, chủ yếu là cỏ và lá vông. Trên mảnh vườn, ông để dành 2.000m2 để trồng lá vông và tận dụng đất quanh vườn để trồng thêm cỏ. Chuồng nuôi thỏ cao ráo, thoáng mát, cách mặt đất 80-100cm, bên dưới chất thải (phân, nước thải) được ông làm đệm lót (trấu, vỏ cà phê), xử lý bằng chế phẩm sinh học AT-YTB nên khử được mùi hôi, tạo môi trường trong lành để thỏ phát triển tốt. Chuồng thỏ được thiết kế bằng những ô vuông làm bằng khung lưới sắt và hệ thống uống nước tự động, có đèn sưởi để sưởi ấm cho thỏ con lúc mới sinh. Thỏ con sau sinh 25 ngày thì tách mẹ. Sau 15 ngày tiếp theo, thỏ đạt trọng lượng hơn 1kg thì tách thành ô nuôi nhốt riêng (20x50cm) để thỏ khỏi cắn nhau, vận động ít sẽ giúp thỏ nhanh lớn. Theo kinh nghiệm của mình, thỏ con sau sinh 3-7 ngày, cần nhỏ Ecoli để trị sình bụng. Khi thỏ con tách mẹ cần nhỏ thuốc để phòng trị cầu trùng. Sau tách mẹ 10 ngày, cần tiêm vacxin cho thỏ mẹ và thỏ con để chống ghẻ, chống nấm (riêng thỏ mẹ định kỳ 6 tháng cần tiêm 1 lần). Nhờ vậy, trại thỏ của gia đình ông luôn khỏe mạnh, không xuất hiện bệnh tật.

Ông Đình chia sẻ, để thỏ mẹ to khỏe, lông mượt, nuôi con tốt, thì sau sinh 03 ngày không nên cho phối sớm mà để cho thỏ mẹ thời gian nghỉ ngơi, thường là từ 8-10 ngày mới cho phối. Một con đực chỉ nên cho phối 3 con cái/ngày. Nên phối giống cho thỏ vào sáng sớm bằng cách đưa thỏ cái sang lồng thỏ đực. Muốn đạt được tỷ lệ thụ thai cao, cho thỏ phối lại lần thứ 2 sau lần thứ nhất 6-7 tiếng. Vì thỏ mẹ chỉ có 8 vú nên mỗi lứa đẻ 6-8 con là tốt nhất. Trong từng ô nuôi nhốt thỏ sinh sản, ông Đình ghi lại thời gian phối, đẻ… rất cẩn thận để ghi nhớ ngày tháng cụ thể, thuận tiện cho việc chăm sóc thỏ mẹ và thỏ con.

Từ nguồn phân thỏ dồi dào, sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học, nguồn phân này được gia đình ông sử dụng để bón cho vườn tầm vông và cà phê trong vườn, tiết kiệm được chi phí mua phân chuồng để bón cho cây. Ngoài thu nhập thường xuyên từ chăn nuôi thỏ, vườn mắc ca gần 150 cây hiện có trong vườn dự kiến năm nay sẽ cho thu năm đầu tiên khoảng 1 tấn trái, với giá ổn định 90.000 - 100.000 đồng/kg, mang lại thu nhập thêm cho gia đình ông gần cả trăm triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ ao cá (mỗi năm được 30-40 triệu đồng), vườn cà phê và 50 cây sầu riêng trong vườn đang bắt đầu cho trái bói.

Ông Trần Văn Thái - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Hà đánh giá: Ông Cao Xuân Đình là một trong những cán bộ về hưu làm kinh tế giỏi. Ngoài việc chăm lo vườn cà phê, mắc ca, sầu riêng cùng vợ, ông còn có trại thỏ đang phát triển tốt, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Không những làm kinh tế giỏi, ông Đình còn nêu cao vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên hưu trí trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và những hộ lân cận thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Ông là cán bộ gương mẫu khi còn công tác, cũng là những tấm gương sáng về tinh thần lao động khi về già.

Với sự cần cù, kinh nghiệm trong chăn nuôi thỏ, đàn thỏ của gia đình ông không ngừng tăng đàn, phát triển khỏe mạnh, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tình hình tiêu thụ gặp một số khó khăn, thương lái đang còn dè dặt trong việc đặt hàng tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, ông Đình rất mong muốn các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đầu ra, hình thành chuỗi liên kết (tổ hợp tác) để sản phẩm thịt thỏ của địa phương tiêu thụ ổn định. Hiện gia đình ông đang cung cấp thỏ thịt sẵn cho người dân trong vùng có nhu cầu. Ngoài cung cấp thịt thỏ, gia đình ông còn cung cấp thỏ con giống với giá 130.000 đồng/cặp. Nông hộ nào có nhu cầu xin liên hệ ông Cao Xuân Đình - thôn Liên Hồ, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, SĐT: 0974683417, ông Đình sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, giúp người dân có đam mê nuôi thỏ trong và ngoài địa phương thực hiện, phát triển kinh tế gia đình./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng