Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Cán bộ hưu trí đam mê với nông nghiệp

Ở tuổi 62, nhưng ông Vũ Thành Nam (tổ dân phố 4D, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn hăng hái tham gia sản xuất, tăng thu nhập trên mảnh vườn của mình.



Sau khi về hưu đầu năm 2020, ông bắt tay vào chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Dù được nghỉ hưu theo chế độ, tuổi đã cao, nhưng ông vẫn tham gia công tác xã hội và hàng ngày cùng gia đình tích cực phát triển kinh tế, có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Với diện tích 2.700m2, hiện trên mảnh vườn của gia đình ông Nam có hơn 30 gốc cây măng cụt, 07 gốc chôm chôm và nhiều loại cây ăn trái khác. Nhưng nguồn thu chính của gia đình ông trong những năm qua chủ yếu là từ măng cụt và chôm chôm. Ông Nam cho biết, trước kia trong vườn gia đình ông trồng nhiều loại cây khác nhau như chôm chôm, sầu riêng, xoài, bưởi da xanh, mít tố nữ, na Đài Loan… nhưng nhiều loài sâu bệnh gây hại và mất nhiều công chăm sóc. Nhận thấy măng cụt và chôm chôm là 02 loại cây trồng ít sâu bệnh, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại vùng đất Đạ Tẻh, giá cả lại ổn định nên ông quyết định giữ lại chủ yếu 02 loại cây ăn trái này để đầu tư và chăm sóc.

Măng cụt sau trồng 7 năm là bắt đầu cho bói (măng cụt ghép), còn măng cụt trồng bằng hạt thì lâu hơn (8-10 năm mới bắt đầu cho trái bói). Vườn măng cụt được ông trồng đã 14 năm, hiện đang bước vào thời kỳ kinh doanh. Năm 2021, mặc dù mất mùa nhưng với 20 gốc cho thu hoạch, trung bình mỗi gốc thu được 30 - 40 kg. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg, mang lại doanh thu cho gia đình ông 20 - 25 triệu đồng. Ông Nam nói đùa rằng, cây măng cụt là cây “dưỡng già”. Loại cây này ít tốn công chăm sóc, cứ rải phân chuồng hoai trên mặt đất, mưa hoặc tưới nước sẽ làm phân hủy ngấm dần vào đất để cây hấp thụ phát triển, không cần bón thêm bất cứ loại phân gì. Quả măng cụt khi chín rụng xuống đất, không phải trèo hái nên người già, sức khỏe yếu vẫn sản xuất tốt… Mặt khác, cây măng cụt có tuổi thọ rất cao (thường 50 năm cho quả, có khi cả trăm năm). Vì thế, ông mới gọi cây măng cụt là cây “dưỡng già”. Hiện nay, vườn măng cụt của gia đình ông đang ra hoa, với thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, qua tháng 6 - 8 dương lịch sẽ cho thu hoạch, dự tính có gốc thu được cả 1-2 tạ, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Ngoài măng cụt, 07 gốc chôm chôm được ông Nam ghép giống chất lượng. Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, mỗi gốc thu được 2 - 3 triệu đồng, mang về cho gia đình ông 15 - 20 triệu đồng/năm. Như vậy, từ 02 loại cây trồng chính là chôm chôm và măng cụt, chưa kể nguồn thu của một số loại cây trồng khác, mang lại thu nhập cho gia đình ông gần 50 triệu đồng/năm. Không chỉ chăm sóc cây trồng trong vườn, mà ông còn chăn nuôi thêm gà vịt để cung cấp thực phẩm thiết yếu cho gia đình.

Bên cạnh đam mê trồng trọt và chăn nuôi, là cán bộ nên ông rất thích tìm tòi, học hỏi cái mới. Cuối năm 2020, khi nghe có chương trình ứng dụng nông nghiệp thông minh, ông đăng ký tham gia và được Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh hỗ trợ đầu tư mô hình hệ thống tưới thông minh 2 trong 1 qua smartphone. Khi tham gia mô hình, gia đình ông được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ vật tư trang thiết bị… đầu tư hệ thống tưới thông minh cho từng gốc cây ăn trái trong vườn. Ông cho biết, từ khi áp dụng mô hình tưới thông minh này rất tiện lợi, hữu ích, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể vận hành tưới tiêu trên diện tích vườn cây ăn trái của mình, giúp cho việc tưới nước, chăm sóc cây thuận tiện, rút ngắn thời gian, công sức và tiết kiệm nước so với tưới thủ công trước đây.

Theo anh Vũ Văn Tiến - cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh, người trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn mô hình: Cuối năm 2020, Trung tâm đã đưa vào thực hiện thành công mô hình ứng dụng hệ thống tưới thông minh trên diện tích 2 ha cây ăn trái trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Trung tâm Nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, 40% giá trị trang thiết bị, người dân đối ứng 60% để thực hiện mô hình. Mô hình hệ thống tưới thông minh 2 trong 1 qua smartphone đã giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào quá trình tổ chức sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh nông sản của địa phương trên thị trường. Đồng thời, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tổ chức sản xuất, ứng dụng thành tựu kỹ thuật của cách mạng khoa học công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Là một trong những người tiên phong trên địa bàn huyện ứng dụng công nghệ vào sản xuất các loại cây ăn trái, theo ông Nam, khi áp dụng công nghệ tưới bằng béc phun mưa tận gốc cho từng loại cây, đã giúp tiết kiệm khối lượng nước đáng kể so với cách tưới truyền thống và giảm được hơn 50% sức lao động. Mặt khác, hệ thống tưới này không tạo thành dòng chảy nên tránh xói mòn đất, giảm đáng kể bệnh thối rễ ở cây, hạn chế dịch bệnh, cây cối quanh năm tươi tốt, phát triển đều trong thời tiết khắc nghiệt. So với những năm trước, các loại cây ăn trái được lắp đặt hệ thống tưới phun mưa cho năng suất, chất lượng cao hơn, quả to, đều, mẫu mã đẹp, múi mọng nước, ngọt và thơm hơn, nên vườn cây ăn trái của gia đình ông Nam được nhiều người biết đến, nhiều thương lái đến đặt hàng, thu mua tận vườn.

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông Nam còn nêu cao vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, Đảng viên hưu trí trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và  bà con hàng xóm thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào do địa phương phát động. Ông là cán bộ gương mẫu khi còn công tác, cũng là tấm gương sáng về tinh thần lao động khi về già cho lớp thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng