Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Các biện pháp kỹ thuật cần chú ý trong sản xuất cây trồng vụ đông

Vụ đông là vụ sản xuất đặc biệt quan trọng, do vậy cần xác định rõ đối tượng, cơ cấu giống cần tập trung mở rộng diện tích cũng như có các biện pháp kỹ thuật phù hợp.



Căn cứ vào đề án, kế hoạch sản xuất vụ đông đã được xây dựng và điều kiện thực tiễn, các địa phương xây dựng và hướng dẫn các quy trình kỹ thuật gieo trồng cây vụ đông cho nông dân. Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành các biện pháp kỹ thuật cần chú ý trong sản xuất cây trồng vụ đông như sau:

- Làm đất: Thực hiện tốt kỹ thuật làm đất tối thiểu, không làm đất đối với diện tích trên đất 2 lúa, tranh thủ thời vụ cần rẽ lúa đặt bầu, hoàn thiện luống sau, chú ý tạo rãnh thoát nước xung quanh và bề mặt ruộng đề phòng mưa úng.

- Bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu giống: Với nhóm cây ưa ấm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10; với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, riêng với cây khoai tây tập trung trồng từ 25/10 đến 15/11. Trồng rải vụ đối với nhóm rau để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa giá thấp hoặc thiếu rau đẩy giá lên cao.

1. Với nhóm cây ưa ấm: Ngô, khoai lang, dưa hấu, dưa chuột, bầu bí, đậu tương cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp và áp dụng giải pháp kỹ thuật làm bầu, ươm cây con để đảm bảo thời vụ. Chăm sóc ngay từ sớm không để cây con còi cọc chậm sinh trưởng.

a. Cây ngô: Trà sớm gieo trước 20/9, trên các chân đất chuyên màu (bãi ven sông, cát ven biển, đồi vệ, đất lúa chuyển sang làm màu), đất 2 lúa (vụ hè thu và mùa sớm); trà trung gieo trước 30/9, trên chân đất 2 lúa (mùa sớm và mùa trung); trà muộn gieo trước 5/10, trên đất 2 lúa (mùa trung) tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc. Đối với ngô nếp, ngô đường, ngô rau, thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi là chính nên thời vụ gieo trồng có thể muộn hơn đến 15 - 20/10 để tận dụng tối đa diện tích và thời vụ để gieo trồng; với các tỉnh Bắc Trung bộ cần căn cứ vào tình hình ngập lụt để ra giống khi xu thế ngập lụt đã kết thúc.

Trên đất 2 lúa cần áp dụng làm ngô bầu, chăm sóc tốt bầu ngô trước khi đặt bầu; ở những vùng chủ động tưới, tiêu hoặc đối với ngô nếp, ngô đường trồng muộn hơn cần áp dụng kỹ thuật làm đất tối thiểu, kỹ thuật gieo thẳng hạt hoặc đặt bầu xuống gốc rạ, tăng mật độ ngô: 6 - 7 vạn cây/ha đối với đất màu và trên 5 - 6 vạn cây/ha đối với đất 2 lúa; bón phân sớm, đủ lượng và cân đối,.... chú ý kỹ thuật bón phân, bón sớm, đủ lượng và cân đối để cây sinh trưởng phát triển tốt nhất.

+ Giống ngô: Cơ cấu, chủng loại giống khá phong phú cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Ưu tiên mở rộng diện tích ngô thực phẩm (ngô nếp, ngô ngọt), ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao.

b. Cây đậu tương: Kết thúc gieo đậu tương trước ngày 5/10; trong sản xuất đậu tương Đông trên đất 2 lúa, triệt để thực hiện phương châm "gặt đến đâu, trồng đậu tương đến đó; trồng càng sớm, năng suất càng cao". Làm đất tối thiểu, gieo thẳng, gieo bằng máy, gieo vào gốc rạ, làm rãnh thoát nước đối với trồng đậu tương đông trên đất 2 lúa.

Trà sớm và chính vụ gieo trước 20/9, điều kiện thời tiết thuận lợi sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng trung bình (85 - 95 ngày); trà muộn gieo trước 10/10 sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (< 85 ngày).

c. Cây khoai lang: Là cây yêu cầu thời vụ nghiêm ngặt nên trồng càng sớm càng tốt, thời vụ trồng kết thúc trước 10/10.

d. Cây lạc: Trồng càng sớm càng tốt, chủ động thu hoạch lúa mùa sớm đảm bảo nhanh, gọn để giải phóng đất sớm trồng lạc ngay cho kịp thời vụ, kết thúc trồng trước ngày 25/9; nếu kết hợp với mục tiêu nhân giống cho vụ lạc xuân nên cần chủ động bố trí đất để kết thúc gieo trồng trước 15/9. Hướng dẫn nông dân gieo trồng bằng phương pháp che phủ rơm rạ để hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, giữ ẩm góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

đ. Cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt: Cần áp dụng kỹ thuật làm bầu, ươm cây con và chăm sóc cây con tốt. Với bầu bí, dưa chuột nên áp dụng kỹ thuật trồng gối bằng cách rạch lúa để đặt bầu trước khi thu hoạch lúa, hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn theo VietGAP.

 

2. Đối với nhóm cây ưa lạnh

a. Khoai tây: Thời vụ tập trung từ 15/10 - 20/11, tốt nhất 25/10 - 15/11, không nên trồng muộn vì thiếu ánh sáng, nhiệt độ quá thấp, âm u mưa phùn làm bệnh hại phát triển, tích lũy về củ mạnh, làm ảnh hưởng đến năng suất.

Ưu tiên sử dụng các giống khoai tây có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn chất lượng củ giống theo qui định.

b. Rau đậu: Cần tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, hướng dẫn nông dân trồng rải vụ để tránh hiện tượng khủng hoảng thừa lúc chính vụ làm rớt giá giảm hiệu quả kinh tế.

Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sản xuất rau áp dụng công nghệ cao trong nhà màn, nhà lưới; làm bầu, gieo gối vụ đối với bầu bí; trồng cà chua, dưa hấu bằng cây giống ghép; tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân bón qua lá; tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa, lạc...

c. Cây hoa: Bố trí diện tích trồng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các vùng tiểu khí hậu ôn đới thuận lợi cho trồng hoa,... Với ưu thế về chủng loại, thời gian thu hái ngắn, cho hiệu quả kinh tế cao và có thị trường đầu ra ổn định tạo đà cho các địa phương mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, màu sang trồng hoa. Bên cạnh nhóm hoa truyền thống (hoa cúc, đồng tiền, hoa lan,...) cần mở rộng nhóm hoa chất lượng cao (hoa lily, loa kèn, cẩm chướng) để đa dạng hoá sản phẩm, chất lượng và hiệu quả kinh tế.

d. Nấm ăn và nấm dược liệu: Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, diện tích lán trại sẵn có và nguồn nhân lực dư thừa trong nông thôn để phát triển và sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược phục vụ nhu cầu tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho nông dân./.

TT (Nguồn Cục Trồng Trọt)