Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo không để cúm gia cầm lây lan diện rộng



Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Theo đó, trên thế giới, theo báo cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ đầu năm 2023 đến hết tháng 1/2024 tổng cộng đã có 8.850 ổ dịch cúm gia cầm do các chủng virus cúm gia cầm A/H5 gây ra.

Đặc biệt, tại Campuchia trong năm 2023 đã có 6 người bị nhiễm virus cúm gia cầm A/H5N1 (trong đó có 4 ca tử vong).

Từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến dịch bệnh cúm gia cầm tại quốc gia này vẫn tiếp tục phức tạp, đã có 4 người nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 (trong đó có 1 ca tử vong) tại một số tỉnh biên giới giáp với Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con.

Trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con.

Trước nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan trên diện rộng và nguy cơ xâm nhiễm của virus cúm gia cầm do quá trình nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/1/2024 về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành văn bản số 5796/BNN-TY ngày 21/8/2023 về việc tập trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.

Để chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm, đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh cúm gia cầm trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực và khẩn trương những nội dung sau:

Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”; Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 5796/BNN-TY ngày 21/8/2023 của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Tập trung các nguồn lực để khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch cúm gia cầm phát sinh, kiểm soát, không để dịch bệnh dây dưa kéo dài, tái phát, lây lan diện rộng, công bố dịch, tổ chức chống dịch theo đúng quy định.

Rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vacxin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.

Tổ chức tốt việc giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với virus cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm.

Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vacxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Tổ chức giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Chỉ đạo ngành y tế chủ động triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y năm 2015, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023) về duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định tại Điều 6 Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND các cấp thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tiếp sau đó, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đã ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024.

Theo đó, để chủ động ngăn chặn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan; đồng thời để ngăn ngừa bệnh truyền lây từ động vật sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024, trong thời gian từ ngày 1 - 31/3/2024.

Nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 7/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, trong đó, tập trung những nội dung sau:

UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành của địa phương và UBND các cấp triển khai thực hiện.

Bố trí kinh phí để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý.

Chính quyền cấp xã tổ chức các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật… Việc phun khử trùng cần được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch...

Các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, thủy cầm... chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.

Cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu./.

TX (Theo nongnghiep.vn)