Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bí quyết chăm sóc bưởi Diễn thời kỳ quả non cho năng suất cao

Chăm sóc bưởi Diễn giai đoạn quả non là thời điểm quan trọng để bảo đảm năng suất và chất lượng quả. Để có một vụ quả bội thu bà con cần những lưu ý khi chăm sóc bưởi Diễn giai đoạn đậu quả non như sau:



  1. Tỉa bớt quả

Những quả bưởi sau khi đậu được khoảng 2 tuần (đường kính 2 – 3 cm) là thời điểm rụng quả sinh lý, những cây chăm sóc kém có thể rụng hàng loạt. Vì vậy, bà con cần tiến hành tỉa bớt quả trên chùm sai, tỉa các quả nhỏ, quả vẹo... để tạo điều kiện cho các quả chính phát triển tốt. Tùy tình hình phát triển của cây và tuổi cây mà số quả để lại trên cây khác nhau. Đối với cây 5 năm tuổi thì chỉ mang được khoảng 120 quả, nếu mang nhiều hơn cây sẽ không chịu được hoặc chất lượng quả sau này cũng thấp.

Việc tỉa quả bà con tiến hành 2 lần :

+ Tỉa quả lần 1 sau khi đậu quả 2 tuần

+ Tỉa quả lần 2: Tiến hành cách lần 1 khoảng 2 tuần

Trong quá trình tỉa quả cần lưu ý:

+ Cần tiến hành tỉa bỏ quả nhỏ, quả ở chùm quá dày, quả ra ở vị trí không thuận lợi, quả không cân đối.

+ Khi cắt cần dùng dụng cụ chuyên dùng để cắt tỉa

+ Trong quá trình tỉa quả bà con cắt bỏ những cành ra hoa nhưng không có khả năng đậu quả, cành tăm, cành khô. 

  1. Cung cấp dinh dưỡng hợp lý

Trong giai đoạn này cây rất cần chất dinh dưỡng để tập trung nuôi quả. Vì vậy sau khi tiến hành tỉa quả lần 1 khoảng 1 tuần thì bà con cần tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây. 

Lượng phân bón cho bưởi Diễn phụ thuộc vào tuổi cây, tình trạng phát triển của cây, nền vườn, chất đất. Nếu sau khi thu hoạch bà con bón nhiều phân, cây sinh trưởng phát triển tốt, lá xanh tốt thì bà con bón ít và ngược lại cây còi cọc, lá không xanh thì bà con bón nhiều. Bà con có thể dùng phân đơn hoặc phân NPK tổng hợp để bón cho cây.

- Lượng phân bón cho cây 5 năm tuổi gia đoạn này như sau:

+ Đối với phân đơn: bón 100g phân lân + 100g phân Kali + 100g phân đạm

+ Đối với phân NPK: bón 500g  NPK 16.6.16 hoặc 5.10.3.

- Cách bón: Rắc trải đều lên bề mặt tính từ hình chiếu tán của cây trở vào phía gốc. Sau đó bà con lấp nhẹ lớp đất (tránh tổn thương đến rễ) và tiến hành tưới nước cho cây.

Ngoài ra bà con có thể bón bổ sung qua lá: Dùng chế phẩm sinh học Vườn Sinh Thái (5ml pha với 15 lít nước) kết hợp với Shellac hoặc NBD1000.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

Các đối tượng sâu bệnh hại bà con cần lưu ý trong giai đoạn này như sau:

- Nhện đỏ: Khi quả có kích thước 2,5 – 3cm cần bắt buộc phun phòng trừ nhện đỏ gây hại. Chúng không những làm rụng quả mà còn gây nên hiện tượng nám quả ảnh hưởng đến màu sắc, hình dạng và độ lớn quả sau này. Sử dụng thuốc Comite; Alfamite, Ortus,... Đồng thời bà con sử dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để mang lại hiệu quả cao.

- Sâu vẽ bùa:  Phun thuốc Polytrin 440 EC 25 ml/10 lít nước hoặc Selecron 500 EC 25 ml/10 lít nước, phun phòng 1 - 2 lần trong mỗi đợt cây có lộc non, quả non và hiệu quả nhất lúc lộc non dài từ 1 - 2 cm, quả non có đường kính 2 - 3 cm, phun ướt hết mặt lá non, quả non.

Rệp sáp:  Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút lá, cành, quả, cuống quả. Bà con dùng Sherpa 25EC hoặc Trebon 10 EC pha với nồng độ 0,1 - 0,2%.

- Bệnh loét: Bệnh tấn công từ lúc quả còn nhỏ đến khi quả lớn, bệnh nặng làm rụng quả. Năm nào, mưa nhiều thời tiết nóng ẩm bệnh phát triển mạnh thành dịch. Để phòng trừ dùng Boocdo 1% (15 gr sunphat đồng + 20 gr vôi tôi/20 lít nước) hoặc Kocide 53.8 DF.

- Bệnh mốc sương: Để phòng bệnh mốc sương gây hại bà con dùng  các loại thuốc đặc hiệu sau: Ridomin gold 72WP; Aliette 80WG, phun lúc quả có kích thước bằng đầu ngón tay./.

 Lưu Thị Bích Hường (Theo nongdan.com.vn)