Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh khảm, vàng lá cây họ đậu

Bệnh khảm, vàng lá thường rất phổ biến trên các loài cây họ đậu, đặc biệt bệnh thường nặng ở những vùng có khí hậu nóng, khô hạn và chuyên canh cây họ đậu.



Bệnh đã làm giảm đáng kể năng suất và chất lượng cây đậu. Những ruộng bị nhiễm bệnh sớm khi cây còn nhỏ sẽ không cho thu hoạch. Dù vậy, cho đến nay nhiều bà con vẫn chưa rõ nguyên nhân và cách khắc phục loại bệnh này.

  1. Triệu chứng, tác hại:

Tùy loài virus, tùy thời tiết và giai đoạn cây bị nhiễm mà thời gian phát bệnh và triệu chứng sẽ khác nhau. Thông thường, khi bị nhiễm virus thì cây bị lùn, ngọn chùn lại, lá có màu không đồng nhất (khảm, hoa lá), hoặc bị vàng, có khi bị nhỏ và nhăn lại...

Giai đoạn cây nhỏ, nếu cây bị nhiễm virus sớm ngay sau khi mọc, thì cây phát bệnh rất sớm. Khi cây đã lớn bị nhiễm bệnh, cây phát bệnh muộn hơn (do có sức đề kháng), hoặc không phát bệnh khi cây đã già. Cây phát bệnh càng sớm thì tác hại càng lớn, thậm chí không cho thu hoạch.

  1. Tác nhân gây bệnh:

Bệnh khảm, vàng lá đậu đỗ do một số loài virus gây ra. Chẳng hạn, trên đậu xanh do virus MYMV (Mungbean Yellow Mosaic Virus), trên đậu tương do virus SMV (Soybean mosaic Virus) gây ra…

Bệnh do virus gây ra nên phải có các côn trùng làm môi giới truyền bệnh như rệp (Aphid), bọ phấn trắng (Bemisia tabaci)… Giai đoạn cây mới mọc, gặp thời tiết nắng nóng, ruộng vườn khô hạn, thì mật độ các loài sâu chích hút sẽ tăng nhanh, là điều kiện lý tưởng để bệnh phát triển. Trong tự nhiên, virus tồn tại trong nhiều loại cây ký chủ như cỏ, cây hoang dại, nên nguồn bệnh rất dồi dào…

  1. Biện pháp quản lý:

Bệnh do virus gây ra nên hiện chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, chúng ta có thể quản lý bệnh một cách hữu hiệu bằng cách quản lý con đường lây lan. Để quản lý được bệnh, chúng ta phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp:

 

 

- Vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước, nhất là những cây trồng là ký chủ của virus như cây họ đậu đỗ... Tránh trồng gần các ruộng vườn có các cây trồng đậu đỗ đang ở giai đoạn cây lớn đến sắp thu hoạch. Vệ sinh các loài cỏ và cây dại quanh bờ.

- Nên gieo trồng sớm và tập trung để khỏi lây lan bệnh cho nhau.

- Sử dụng các giống kháng sâu chích hút, và kháng virus.

- Nhổ và tiêu huỷ các cây bị bệnh, không vứt cây bệnh bừa bãi.

- Tránh bón thừa phân đạm, tăng cường các loại vi lượng bằng cách sử dụng phân bón lá TANO-601 để tăng khả năng chống chịu của cây.

- Theo dõi chặt chẽ mật độ các loại sâu chích hút để phòng trừ kịp thời từ khi cây vừa mọc cho đến 20-25 ngày sau mọc (vì đây là giai đoạn quyết định tỷ lệ cây bị bệnh và mức độ bệnh nặng hay nhẹ). Hiện nay loại thuốc phổ biến và có hiệu lực đối với các loại sâu chích hút là dầu khoáng SK Enspray 99EC. Đây là loại thuốc hoàn toàn không độc hại./.

Hà Thúy Tuyển (Theo Báo NNVN)