Hiện nay nhà nông đang đứng trước nhiều thách thức ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm của cây có múi trong đó đáng kể như bệnh ghẻ, nếu chúng ta không phòng trừ đúng sẽ làm mất giá trị thương phẩm vì nó làm cho bề mặt vỏ quả sần sùi vì thế chúng ta cần hiểu rõ và có biện pháp phòng trừ thích hợp.
- Đặc điểm nhận biết
Các vết bệnh ban đầu như những gai nhọn nhô ra khỏi mặt lá, cành non hoặc quả. Giai đoạn sau, những gai nhọn chuyển màu nâu có kích thước 1-2 mm. Lá bệnh thường biến dạng, cong về một phía. Cây con bị nặng sẽ lùn, phát triển kém. Trên quả các vết bệnh nối lại thành những mảng lớn nhỏ làm cho vỏ quả sần sùi, quả không lớn được.
- Biện pháp phòng trừ
- Phun phòng bệnh cho cây con ở vườn ươm.Trồng cây giống sạch bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh vườn, tỉa cành tạo tán cho vườn cây thông thoáng.
- Cắt bỏ và tiêu hủy những cành lá bị bệnh, hạn chế mầm bệnh lây lan.
- Bón phân hợp lý theo từng giai đoạn để tránh ra chồi non liên tục. Giảm lượng phân đạm bón cho cây, ngưng phun phân bón lá lúc cây đang bệnh.
- Sử dụng một số loại thuốc như Booc-đô 1%, Zineb 0,2% phun phòng vào giai đoạn cây con.
- Trên vườn cây có múi ở thời kỳ kinh doanh cần phun sau mỗi đợt lộc cũng như giai đoạn vừa đậu quả bằng một trong các loại thuốc sau :
+ Kumulus 80 DF: pha 30-40 g/bình 8 lít
+ Polyram 80 DF: pha 25-30 g/bình 8 lít nước
+ Bavistin 50 FL: pha 5-10 ml/bình 8 lít
+ Bemyl 50 WP: pha 20-25 g/bình 8 lít
+ Carbenda 50 SC: 5-10 ml/bình 8 lít.
Nguyễn Thị Hường - Trạm Khuyến nông Chương Mỹ