Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh đốm sọc vi khuẩn và biện pháp phòng trừ

Thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng, mưa to, gió lớn liên tiếp là điều kiện thuận lợi để cho bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại trên lúa.



1.Triệu trứng

Bệnh gây hại trên lá, vết bệnh là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc giữa các gân lá, lúc đầu vết bệnh xanh tái, dần dần chuyển màu nâu, tạo thành các sọc nâu hẹp, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện những giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục sau đó khô lại thành những viên keo vi khuẩn trong như hạt trứng cá, dễ dàng rơi khỏi mặt lá và rơi xuống nước trên ruộng. Khi ruộng bị nặng thì toàn bộ ruộng lúa chuyển màu vàng cam sau chuyển màu vàng nâu và cây lúa bị chết, không những gây thiệt hại lớn mà còn tồn dư mầm bệnh cho vụ sau.

  1. Nguyên nhân và đặc điểm phát sinh

Bệnh đốm sọc vi khuẩn do vi khuẩn Xanthomonas Oryzicola gây ra.

Bệnh thường phát sinh gây hại nặng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, ruộng lúa bón phân không cân đối, đặc biệt là thừa đạm trên các giống mẫn cảm. Khi bị bệnh, lá lúa giảm quang hợp và vi khuẩn gây tắc các bó mạch dẫn đến năng suất lúa giảm trầm trọng.

Vi khuẩn xâm nhiễm vào cây chủ yếu qua vết thương cơ giới, lan truyền nhờ nước, mưa, gió và tiếp xúc cọ xát giữa các lá, các cây trong ruộng.

  1. Biện pháp phòng trừ

  - Để hạn chế bệnh đốm sọc vi khuẩn biện pháp tốt nhất là thâm canh theo SRI: gieo mạ thưa, cấy mạ non, bón phân cân đối, điều tiết nước hợp lý để hạn chế bệnh đến mức thấp nhất.

  - Bón phân đúng kỹ thuật, đúng giai đoạn, bón đạm nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm cân đối với kali theo tỉ lệ nhất định.

- Tiến hành biện pháp vệ sinh đồng ruộng dọn sạch cỏ dại và ký chủ.

  - Hạn chế cấy các giống mẫn cảm với bệnh đốm sọc vi khuẩn

  - Nếu thấy bệnh chớm xuất hiện thì có thể rút nước, tháo nước để khô ruộng trong 2-3 ngày hoặc có thể rắc vôi 10-15 kg/sào để hạn chế bệnh phát sinh và lây lan.

  - Hiện nay chưa có thuốc nào điều trị được bệnh đốm sọc vi khuẩn.

Nguyễn Thị Hường – Trạm KN Chương Mỹ