Sau đây xin giới thiệu đến bà con bệnh đốm đen lá hoa cúc và một số biện pháp phòng trừ:
- Triệu chứng
Bệnh hại chủ yếu trên lá, lúc đầu là một điểm nhỏ như mũi kim màu nâu xám, sau đó mô bệnh lan rộng có dạng hình tròn hoặc hình bầu dục ở giữa màu trắng xám, đường kính vết bệnh từ 0,5-1 cm. Bệnh nặng các vết bệnh các vết bệnh có thể liên kết nhau tạo thành đốm lớn, trên mô bệnh giai đoạn. Về sau, thường hình thành các chấm nhỏ màu đen (đó là quả cành của nấm gây bệnh) gặp điều kiện ẩm ướt, mưa nhiều mô bệnh dễ bị thối nhũn chuyển sang màu xám đen, trong điều kiện khô hanh mô bệnh dễ bị rách nứt.
- Nguyên nhân gây bệnh
Nấm Septoria chrysanthemi Halst thuộc họ Sphaeropsidceae, bộ Sphaeropsidales, lớp Coelomycetes. Sợi nấm đa bào, không màu, phân nhiều nhánh. Sinh sản vô tính hình thành các quả cành hình cầu thường nằm chìm trong mô bệnh để độ đỉnh có lỗ hở ra ngoài. Đường kính 70-130 µm, màu nâu hoặc nâu đen. Cành bào tử phân sinh ngắn, đơn bào, phần gốc cành phình rộng. Bào tử phân sinh hình gậy dài và mảnh, hai đầu thon nhọn, đa bào, không màu, thường có từ 3-5 ngăn.
Bào tử nấm nảy mầm xâm nhiễm thuận lợi trong điều kiện có ẩm độ cao (giọt nước, giọt sương) và nhiệt độ thích hợp từ 23-28oC. Trong điều kiện có nhiệt ẩm độ thuận lợi, thời kỳ tiềm dục của bệnh chỉ từ 6-7 ngày. Mức độ lây nhiễm và thời kỳ tiềm dục của bệnh dài hay ngắn còn phụ thuộc vào cá giống cúc và có vết thương sây sát trên lá hay không.
Nguồn bệnh chủ yếu là dạng sợi nấm và quả cành của nấm gây bệnh tồn tại trên tàn dư thân lá của cây hoa cúc trên đồng ruộng.
- Đặc điểm phát sinh phát triển
Bệnh đốm đen lá hoa cúc thường phát sinh phá hại mạnh trong điều kiện ẩm ướt, mưa gió nhiều và nhiệt độ ẩm nóng. Bệnh thường phát sinh phá hại mạnh từ đầu tháng 4 đến cưới tháng 7 trong năm trên vụ hoa xuân hè. Các giống hoa cúc vàng Đài Loan, vàng Đà Lạt và cúc trắng Nhật thường hại năng hơn các giống cúc của Singapore.
Bệnh cũng thường phá hại trên các ruộng trồng hoa cúc trũng thấp, nước thường ứ đọng, và mật độ trồng dầy (600.000 cây/ha). Bệnh hại nặng trên các ruộng hoa cúc trồng độc canh.
Sự phát triển của bệnh còn liên quan mật thiết với sự phá hại của các loại côn trùng miệng nhai và tạo vết thương sây sát trong quá trình cắt tỉa, chăm sóc vun xới. Bệnh cũng gây thiệt hại năng trên những ruông hoa cúc bón NPK không cân đối, thiếu Kali.
- Biện pháp phòng trừ
Để phòng trừ bệnh đốm đen lá hoa cúc cần phải kết hợp áp dụng đủ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp:
- Chọn và sử dụng các giống chống chịu bệnh.
- Chọn đất cao ráo, có hệ thống tiêu thoát nước tốt và lên luống cao.
- Thực hiện biện pháp luân canh với cây trồng khác họ, không trồng độc canh hoa cúc nhiều năm.
- Mật độ trồng vừa phải không trồng quá dầy.
- Bón phân NPK đầy đủ, cân đối và hợp lý, nên bón lót phân chuồng hoai mục trước khi trồng, bón đầy đủ kali.
- Trường hợp bệnh xuất hiện có thể sử dụng một số loại thuốc hóa học để phòng trừ như : Macozeb, matalaxy, fosetyl aluminum, diniconazole…/.
(Ngô Thị Hiền – TKN Chương Mỹ , Nguồn Camnangcaytrong.com)