Bước 1: Phơi ải và trộn vôi bột
Người trồng cần nhặt bỏ hết tàn dư cây trồng và tiến hành cuốc đất phơi khô và đập nhỏ đất để gia tăng thêm oxy. Có thể không phải đập vụn hoàn toàn, để tầm 10 - 15% hạt đất to bằng đầu ngón tay và để ở phía dưới.
Sau đó, rắc thêm vôi bột lên đất để ức chế sự phát triển của nấm bệnh. Vôi còn tác dụng ngăn chặn sự suy thoái đất, khử mặn, cung cấp thêm canxi cho đất.
Bước 2: Làm tơi xốp đất
Người trồng tiến hành trộn thêm các giá thể khác như bã đậu tương, xơ mùn, trấu hun, vỏ lạc, vỏ đỗ, vỏ trứng.. vào trong đất. Điều này giúp đất có thêm 1 phần dưỡng chất cho cây trồng.
Bước 3: Bổ sung dinh dưỡng cho đất
Có thể cải tạo đất bằng nhiều nguồn dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên tốt nhất nên sử dụng nguồn dinh dưỡng hữu cơ để đảm bảo sự bền vững, hạn chế đất bạc màu, chai cứng như phân hữu cơ vi sinh trùn quế, phân hữu cơ vi sinh làm từ phân bò, phân gà….
Một số nguồn phân bón hữu cơ mà người trồng có thể tự tạo ra từ việc tận dụng các nguồn rác thải, nguyên liệu nông nghiệp dễ tìm, sẵn có với chi phí rất rẻ như phân bón từ ủ rác bếp hữu cơ, phân bón từ cá, chuối, trứng, đậu tương. Trong quá trình ủ rác bếp hữu cơ hay ủ đạm cá, đạm chuối, đậu tương .....người dùng sử dụng chế phẩm sinh học Vbio và rỉ mật đường để đảm bảo quá trình ủ được nhanh chóng, không mùi và đặc biệt là nguồn phân bón hữu cơ tạo nên có giá trị dinh dưỡng cao. Thời gian ủ từ 20 - 30 ngày có thể sử dụng. Người trồng cần bố trí 2 đến 3 thùng ủ kế nhau đảm bảo có nguồn phân hữu cơ đạt chất lượng bón cho cây rau liên tục.
Bón phân hữu cơ cho rau từ nguồn rác nhà bếp, phân bón từ cá, từ chuối trứng, đậu tương cho cây là phân hữu cơ 100%, vừa tốt cho cây trồng, vừa tốt cho sức khỏe gia đình và cũng là một cách bảo vệ môi trường thiết thực và hữu hiệu./.
Lê Thị Xới - Trạm Khuyến nông Ứng Hòa (TH)