Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xúc tiến xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc và những lưu ý

Số liệu thống kê cho thấy, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 180 thị trường trên thế giới. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 36,52 tỷ USD; trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 29,55 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,2 tỷ USD (tăng 4,4%); thuỷ sản đạt trên 6,4 tỷ USD (tăng 7,2%); lâm sản đạt 6,37 tỷ USD (tăng 14,4%); chăn nuôi đạt 0,41 tỷ USD (tăng 5,2%). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như gạo, lâm sản và rau quả…



Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và truyền thống nhập khẩu nông sản Việt Nam. Với dân số hơn 1,3 tỷ người, tập quán cũng như thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam cùng vị trí địa lý thuận tiện nên nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam để phục vụ sản xuất và tiêu dùng liên tục tăng mạnh. Đến nay, Trung Quốc luôn giữ vững là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam và còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là nông sản, trái cây và thủy sản. Trong 9 tháng đầu năm, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có mức tăng trưởng tốt như cà phê đạt kim ngạch 78,07 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ; rau quả đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10%; một số mặt hàng vẫn tiếp tục giữ giá trị kim ngạch xuất khẩu cao như cao su đạt 965,61 triệu USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 812,58 triệu USD; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 606,91 triệu USD; gạo đạt 580,88 triệu USD… Tuy nhiên, cũng như xu hướng chung trên thị trường quốc tế, yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này ngày càng cao do đó cũng là thách thức đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản. Việt Nam qua đó cần có các giải pháp để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giữ vững thị trường; tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, tăng cường trung chuyển hàng hóa giữa hai nước, tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở cửa kịp thời với các chính sách điều hành quản lý của Trung Quốc nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế, tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới. Với trên 50% dân số làm nghề nông, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và các vùng sinh thái nông nghiệp phù hợp để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng. Hiện Việt Nam đang đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Trung Quốc (ACFTA), tạo cơ hội để hàng hóa nông sản của Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn và phủ khắp đến hầu hết các nước trên toàn câu. Triển khai ACFTA, Trung Quốc đã loại bỏ thuế nhập khẩu trên 95% dòng thuế của danh mục chung trước ngày 01/01/2012; trong số 5% số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 5-50% vào cuối năm 2018. Đây là điều kiện quan trọng giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có bước tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây, cụ thể Trung Quốc là thị trường đứng thứ 1 đối với cao su, rau quả, sắn; đứng thứ 4 về chè; thứ 5 về thủy sản; thứ 9 về cà phê và đặc biệt chiếm 30 - 40% khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ngày 2 đến 3/11/2018, tại Tp. Móng Cái, Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc nhằm thúc đẩy quảng bá, tăng cường tiêu thụ hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Tham dự hội nghị ngoài các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách còn có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng nông, lâm, thủy sản của hai nước. Hội nghị đã tập trung thảo luận một số vấn đề chính như thực trạng cung ứng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu bền vững nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; cơ chế chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu đối với hàng nông, lâm, thủy sản qua các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh; cơ chế chính sách và quy định quản lý đối với nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc.

Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết:”Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Quảng Ninh cũng luôn xác định thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh nên lãnh đạo tỉnh và các ngành luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp về mọi mặt nhằm giảm đầu mối, giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Long cũng đề nghị phía bạn tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện chính sách biên mậu, thực hiện các thủ tục kiểm dịch, hải quan…”.

Theo ý kiến của đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, triển vọng thúc đẩy quan hệ thương mại nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc là rất lớn. Tuy nhiên để gia tăng xuất khẩu hàng nông sản vào thị này các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần không ngừng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cần khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã của Việt Nam xây dựng các vùng chuyên canh một số loại trái cây, nông sản theo thị hiếu, tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Ý kiến của đại diện Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định, mặc dù xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh trong những năm qua đạt được kết quả tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn nhất định xuất phát từ hai phía như cơ chế quản lý mỗi nước có sự khác biệt; sự gia tăng bảo hộ sản xuất thông qua các rào cản kỹ thuật; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ít có chuyển biến và chủ yếu vẫn là các sản phẩm thô với hàm lượng giá trị không cao; lỏng lẻo trong liên kết giữa các tỉnh để tạo thành một kênh phân phối thống nhất; doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại biên giới chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn chưa bài bản, chưa có chiến lược lâu dài. Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh cũng gợi ý một số giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc như tổ chức các hội nghị xuất khẩu để tháo gỡ khó khăn; chuyển từ hình thức thương mại biên giới sang xuất khẩu chính ngạch để hưởng các ưu đãi thuế quan theo hiệp định đã ký. Bên cạnh đó, đơn vị đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư chế biến sâu để sản xuất hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng các qui định của nước nhập khẩu; sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với xuất khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa; chủ động đề xuất với cơ quan quản lý hai nước các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.

Đại diện Hiệp hội sắn Việt Nam kiến nghị phía Trung Quốc một số nội dung để đảm bảo thuận lợi khi xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên mậu vào thị trường Trung Quốc như phía bạn cần thống nhất quy định thông tin in trên bao bì sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam; thời điểm chính vụ sắn, sản lượng thu hoach và chế biến hàng ngày rất lớn nên cần kéo dài thời gian mở cửa làm việc tại các cửa khẩu trong ngày nhằm giải phóng nhanh hàng qua biên giới, giảm chi phi phát sinh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số ý kiến khác từ các chuyên gia và nhà quản lý cũng kiến nghị doanh nghiệp rằng mọi giao dịch nên thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ thương mại quốc tế với các điều khoản giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao. Các doanh nghiệp khi làm việc với đối tác Trung Quốc nên dịch mọi tài liệu có liên quan sang tiếng Trung Quốc.

Một số điểm cần lưu ý trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc

Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT để nâng cao hiệu quả trong hoạt động xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm như: Quản lý và đánh giá rủi ro cho một số loại hàng hóa lần đâu tiên nhập khẩu và chưa có trong danh mục (2017); Mọi thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải có giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ được cơ quan có thẩm quyền ban hành; Yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với trái cây; Quản lý danh mục hàng hóa thực phẩm được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; Quản lý danh sách cơ sở/doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc (có chứng thư xuất khẩu); Chỉ định cửa khẩu nhập.../.

TTKN Quảng Ninh