Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xử lý khi gia cầm thiếu Vitamin E

Vitamin E là chất chống ôxy hóa, đồng thời có nhiệm vụ ổn định hệ thần kinh. Gia cầm thiếu Vitamin E sẽ xuất hiện một số hiện tượng như dịch rỉ ở tạng của con non, chứng loạn dưỡng cơ bắp ở gà vịt trưởng thành…



Nguyên nhân

Do quá trình sản xuất thức ăn, nhà máy có thể dùng nhiều dầu thực vật tăng hàm lượng đạm cho thức ăn hỗn hợp. Hoặc quá trình xử lý nhiệt cho bột cá, bột xương không đúng kỹ thuật làm phá hủy thành phần chất dinh dưỡng trong đó. Pha trộn không đồng đều lượng premix chứa Vitamin E.

Thức ăn thiếu Selen và các axit amin có chứa lưu huỳnh như Methionin và Cystin trong thức ăn.

Ngoài ra, một số trường hợp có sử dụng Axit Propionic bảo quản hạt ngũ cốc đã làm giảm Vitamin E chứa trong hạt.

Ðặc điểm dịch tễ

Loài mắc bệnh: Tất cả các loài gia cầm, trong đó gà trống mẫn cảm nhất.

Bệnh xảy ra chủ yếu gia cầm khoảng 2 - 8 tuần tuổi.

Triệu chứng

Bệnh biểu hiện ở thể cấp tính, bắt đầu từ việc giảm ăn, lờ đờ, xù lông, xã cánh. Sau đó, gà gầy yếu, rối loạn vận động, đi giật lùi hay đầu chúi xuống đất, co giật nhanh, ngón chân co quắp. Thường xuất hiện ở gà 2 - 4 tuần tuổi; Ðầu ngoẹo ra sau hoặc xuống bụng; Gà còi cọc, ngừng phát triển, thiếu máu; Xuất hiện phù nề, tích nước dưới da cánh, vùng bụng, đôi khi thấy cả ở chân, vùng đầu, thậm chí cả vùng lưng; Sờ nắn các vùng phù nề thấy không nóng, không đau, có độ mềm căng và di động. Tất cả các gà có bệnh chứng này đều chết, tỷ lệ dao động khoảng 5 - 20% phụ thuộc vào mức độ thiếu Vitamin E và Selen; Một số trường hợp sưng phù đầu, cổ và ngực.

Trên gia cầm đẻ, sản lượng trứng giảm đáng kể, chủ yếu trứng đem ấp phôi chết vào ngày thứ 4. Gia cầm trống, dịch hoàn bị thoái hóa.    

Bệnh tích

Mổ khám ở tiểu não có xuất hiện các điểm hoại tử trên bề mặt với màu hơi nâu và màng não bị phù. Những tế bào thần kinh bị thoái hóa chủ yếu trong tế bào Purkinji và trong nhân của tế bào thần kinh vận động. Tế bào chụm lại đầy huyết sắc tố. Nhân có hình tam giác đặc trưng.

Màng tim căng phồng trong một vài ngày và có thể xuất huyết ở cơ và mô mỡ. Ở cơ ngực và đùi có những sọc sáng trắng do rối loạn dinh dưỡng. Sợi cơ bị thoái hóa và thấm dịch làm thay đổi hình thái.

Ở những phần phù nề, rạch mổ thấy một chất lỏng keo đặc màu xanh xám hoặc vàng sánh, màu hồng chảy ra.

Khoang bụng chứa nhiều dịch thẩm thấu xuất màu xanh hoặc vàng đỏ.

Gan sưng to và thoái hóa.

Chẩn đoán

Dựa vào dấu hiệu lâm sàng và một số bệnh tích nhờ kiểm tra tổ chức học bệnh lý ở cơ. Tuy nhiên cũng phải tiến hành xét nghiệm máu và phân tích thức ăn. Kiểm tra hàm lượng Vitamin E trong thức ăn.

Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng và bệnh tích giống như:

- Bệnh Coryza và cúm: Cũng sưng phù đầu, phù cổ nhưng chảy nước mũi nhiều còn bệnh thiếu Vitamin E không chảy nước mũi.

- Bệnh Newcastle: Cũng là triệu chứng thần kinh đi xiêu vẹo và não xuất huyết, nhưng bệnh thiếu Vitamin E khác ở chỗ là không có triệu chứng xuất huyết ở ruột và tiền mề.

- Bệnh thiếu Vitamin B2: Triệu chứng thần kinh co quắt chân và giảm đẻ, nhưng không có bệnh tích ở não mà chỉ có ở dây thần kinh hông và cánh.

Phòng bệnh

Trong quá trình nuôi, cần bổ sung Vitamin E vào thức ăn hàng ngày theo định lượng, cụ thể:

- Gà con bổ sung 30 - 60 UI (9 - 12 mg)/kg thức ăn;

- Gà giò và hậu bị: 25 - 50 UI (7 - 8 mg)/kg thức ăn.

- Gà đẻ: 50 - 100 UI (15 - 17 mg)/kg thức ăn.

Dùng theo tỷ lệ trộn thức ăn hay pha nước uống để phòng bệnh.

Tránh sử dụng thức ăn những chất béo bị ôi thiu. Có thể dùng giá đỗ hoặc lúa nảy mầm cho ăn.

Bổ sung những chất chống ôxy hóa, Selen vào thức ăn.

Trị bệnh

Thay thức ăn có chất lượng tốt, đủ chất dinh dưỡng, nhất là vitamin và Selen, thức ăn không mốc, không ẩm.

Tăng liều các Premix phòng bệnh gấp 2 - 3 lần, liên tục 3 - 5 ngày. Bổ sung Vitamin E hoặc ADE, loại hòa tan trong nước pha cho uống với liều 10 mg/kg trọng lượng/ngày, liên tục 3 - 5 ngày. Hoặc tiêm theo liều lượng 5 mg/kg trọng lượng/ngày, tiêm 1 lần/tuần. Tiêm Vitamin ADE 500 với lượng 1cc/10 gà đẻ, liên tục 3 - 4 tuần./.

Theo tapchigiacam.vn