Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Xây dựng nền nông nghiệp đô thị xứng tầm

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, do đó, ngành Nông nghiệp cũng đang chuyển mình theo hướng sử dụng công nghệ cao để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, quá trình này đang còn nhiều khó khăn, rào cản cần được tháo gỡ để nông nghiệp đô thị phát triển xứng tầm.



Xu thế của nền nông nghiệp hiện đại

Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Cuối, Đan Phượng đang trong quá trình đô thị, chuẩn bị lên quận, nên diện tích đất nông nghiệp ít. Để hình thành vùng sản xuất tập trung, hợp tác xã đã thuê lại đất của nông dân với diện tích 5ha. Điều này đã tạo thuận lợi cho hợp tác xã áp dụng mô hình trồng rau trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp từ 2 đến 4 tấn rau xanh cho các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng…, đạt thu nhập hàng tỷ đồng/năm/ha.

Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh, với 53,8ha trồng súp lơ, bắp cải, su hào, cà chua, bầu, bí… trong đó có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 640 tấn rau, quả các loại, doanh thu đạt gần 4 tỷ đồng. “Dù diện tích đất nông nghiệp không nhiều nhưng nếu canh tác theo hướng an toàn, quy hoạch thành vùng tập trung, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thì sản phẩm nông nghiệp vẫn cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Trịnh Văn Vĩnh nói.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Do quỹ đất ngày càng thu nhỏ, nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn, nên phải đi theo xu thế tất yếu là nông nghiệp đô thị. Theo đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo ra hiệu quả lớn nhất trên một đơn vị canh tác nhỏ nhất. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp đô thị ở Hà Nội còn thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm.

Phát triển theo quy hoạch

Phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu của ngành Nông nghiệp Thủ đô, nhưng trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, như thời gian thuê đất ngắn, thiếu vốn để đầu tư công nghệ cao...

Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đông Anh Lê Quang Đức cho biết, trên địa bàn huyện có hàng trăm trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhưng tỷ lệ áp dụng công nghệ cao mới chỉ đạt 20-30%. Hơn nữa, các hộ sản xuất đều gặp khó khăn về quỹ đất, bởi đa số các xã chỉ ký cho nông dân thuê đất từ 1 đến 3 năm, nên họ không yên tâm đầu tư. Ngoài ra, để xây dựng những mô hình công nghệ cao, phù hợp với xu thế của nền nông nghiệp đô thị, thì cần phải có vốn lớn, trong khi đó, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp lại rủi ro cao...

“Theo đề án lên quận vào năm 2025, huyện Đông Anh xác định phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, song phải quy hoạch, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, sinh thái, hài hòa và bền vững với môi trường, góp phần tạo cảnh quan, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, thành phố cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, tháo gỡ về quỹ đất cho nông dân…”, ông Lê Quang Đức cho hay.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, để từng bước chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị sinh thái, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp theo quy hoạch; đồng thời, hỗ trợ các hộ nông dân giống, đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Cùng với đó, xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thành phố tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, cây trồng, vật nuôi tập trung, quy mô lớn. Ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu cho thành phố bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch nông nghiệp đô thị; hỗ trợ các nhóm sản phẩm chủ lực; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; phát triển dịch vụ logistics đô thị trong điều kiện xây dựng thành phố thông minh; tăng cường hợp tác liên kết kinh tế vùng và toàn quốc. Đặc biệt là triển khai các dự án cụ thể để phát triển nông nghiệp đô thị, gồm: nông nghiệp ven đô và nông nghiệp nội đô... Chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư những cánh đồng mẫu lớn; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị một cách hiệu quả để nâng cao giá trị nông nghiệp, khắc phục được những bất cập trong tiêu thụ nông sản.

“Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch, lấy ý kiến tham vấn đề xuất các cơ quan chức năng điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp. Mặt khác, cần phải chuyển đổi quy mô, phương thức tập trung ruộng đất đủ lớn để có thể đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ cao, sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, có tính cạnh tranh cao”, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh./.

NT (Theo Báo HNM)