Diện mạo nông nghiệp ngày càng đổi mới theo hướng nông nghiệp thông minh, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp những khó khăn như chi phí đầu tư cao, sử dụng nhiều nhân công, đang tìm kiếm những kiến thức, công nghệ phù hợp.
Để giúp người nông dân giảm chi phí quản lý, chi phí nhân công, tránh rủi ro mùa vụ và phát triển nông nghiệp sạch an toàn, bền vững cần phải áp dụng những ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với khả năng tiếp cận của người nông dân, giải phóng được những công việc tiêu hao nhiều công lao động hằng ngày, chuyển đổi cách làm hiện tại sang một cấp độ mới trước những đòi hỏi cao hơn về khoa học, công nghệ, vốn, kiến thức và nhân lực điều khiển thiết bị.
IoT (Internet of Things) có thể được hiểu liên kết các thiết bị vật lý với nhau bằng internet từ đó thu thập và chia sẻ dữ liệu với nhau. Ứng dụng IoT con người có thể làm được những việc cần độ chính xác và tính toán rất cao, lưu trữ và cung cấp thông tin liên tục mà không cần đến sự can thiệp thường xuyên của con người. Với việc áp dụng công nghệ IoT vào nông nghiệp, người nông dân đã có thể xây dựng một nông trại với khả năng tự động hóa: Tự động tưới nước, bón phân và đo đạc các chỉ số trong vườn liên tục giúp chủ nông trại nắm được các thông số hiện có, để đưa ra phương pháp xử lý cho cây trồng tốt nhất. Và quan trọng nhất là người quản lý trang trại có thể theo dõi và điều khiển nông trại từ xa hoàn toàn trên điện thoại thông minh mà không cần có mặt tại vườn.
Trong 2 năm (2018 - 2019), Trung tâm Nông nghiệp TP. Đà Lạt đã triển khai mô hình “Ứng dụng IoT trong việc tưới nước và châm phân tự động điều khiển qua điện thoại dựa trên cảm biến và phần mềm phân tích trên cây dâu tây và cà chua trồng trên giá thể trong nhà kính” tại phường 7, thành phố Đà Lạt. Khác với những cây trồng dưới nền đất, cây dâu tây và cà chua trồng trên giá thể rất nhạy cảm với môi trường vùng rễ, rễ cây sẽ không phát triển tốt khi độ EC, pH trong giá thể quá cao hay quá thấp. Nếu không được giám sát chặt chẽ lượng phân bón và nước tưới thì cây rất dễ bị cháy rễ và cháy lá ảnh hưởng lớn đến kết quả mùa vụ.
Anh Cao Văn Thể, chủ nông trại trồng dâu tây trên giá thể ở phường 7 cho biết: “Sử dụng hệ thống tưới và châm phân tự động đã tiết kiệm được đến 30% lượng phân, nước. Điểm khác biệt giữa tưới nước và châm phân tự động và các hệ thống tưới nhỏ giọt khác hiện có trên thị trường là ở cách thức hoạt động. Trong khi các hệ thống tưới nhỏ giọt thông thường cung cấp nước theo áp lực thì tưới nước và châm phân tự động phân phối nước và châm phân theo lưu lượng, đúng nhu cầu của từng cây và chính xác đến từng lít nước. Vì thế, tránh được việc dư thừa và thất thoát lượng phân bón, nước tưới, tiết kiệm được chi phí đáng kể”.
Theo lời chia sẻ của anh Phạm Minh Tuấn, nông hộ tham gia mô hình trồng cà chua: “Thời gian nghỉ Tết anh cứ để giải pháp IoT tự động chăm sóc, tưới tiêu cho vườn, phần mềm tự quản lý, theo dõi tình trạng từng cây, có thông số nào bất ổn cần điều chỉnh sẽ báo trên ứng dụng điện thoại. Lúc đó, anh chỉ việc mở ứng dụng và điều chỉnh từ xa chứ không cần trực tiếp lên vườn. Nhờ giải pháp ứng dụng IoT trong việc tưới nước và châm phân tự động mà Tết này anh có thời gian quây quần bên gia đình mà vườn vẫn “tự động - tươi tốt”.
Qua chia sẻ của các nông hộ tham gia mô hình, có thể khẳng định rằng, việc ứng dụng IoT trong việc tưới nước và châm phân tự động cho các loại cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nhà nông. Từ đó, giúp cho nhà nông tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác, giảm thiểu được rủi ro trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng./.
Hồng Nhung - TTNN TP. Đà Lạt