Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng

Trong giai đoạn hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) được coi là “chìa khóa” đem đến thành công cho sản xuất nông nghiệp thời kỳ 4.0. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt nông dân thành phố Đà Lạt ngày càng có nhiều nông dân ứng dụng công nghệ trong tổ chức sản xuất, quản lý trang trại… góp phần ổn định chất lượng, giảm chi phí, gia tăng giá trị trên từng sản phẩm.



Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đang phát triển mạnh mẽ theo hướng ứng dụng công nghệ cao với nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện. Cùng với đó, các đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các Trường Đại học liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin, các công nghệ mới, các giải pháp giám sát và điều khiển các thông số tiểu khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm tương đối cảu không khí, ánh sáng, dinh dưỡng) bằng công nghệ Internet vạn vật (IoT) trong quá trình sản xuất.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất

Áp dụng CNTT trong việc điều tiết nước tưới, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng với phương pháp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh hay máy tính. Người sản xuất có thể vận hành hệ thống tưới mọi lúc, mọi nơi, có thể kết hợp tưới nước với bón phân. Qua đó, giúp người dùng kiểm soát được lượng phân bón thích hợp theo đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất.

Từ tháng 11/2020 đến nay, các chuyên gia thực hiện đề tài của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã liên kết các nhà vườn tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng triển khai ứng dụng giải pháp CNTT, xây dựng được 05 mô hình trang bị công nghệ cơ bản và 05 mô hình trang bị công nghệ cao, chăm sóc cho 05 loại cây trồng: hoa cúc, đồng tiền, ớt chuông, dâu tây và cà chua.

Đối với mô hình chăm sóc công nghệ cao thực hiện giám sát và điều khiển được các thông số tiểu khí hậu trồng trọt (nhiệt độ, độ ẩm tương đối của không khí, ánh sáng, dinh dưỡng). Đối với mô hình trang bị công nghệ cơ bản thực hiện tự động điều khiển chăm sóc tưới nước và tưới phân. Đưa năng suất sinh học và năng suất lao động cao hơn sản xuất thông thường từ 15-25%.

Cùng với việc triển khai các mô hình, nhóm thực hiện đề tài Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội Nông dân các phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các hộ nông dân tham gia liên kết tập huấn hướng dẫn sử dụng phầm mềm Tido Farm, đồng thời tổ chức hội thảo và chuyển giao kết quả ứng dụng CNTT vào sản xuất cho 05 loại cây trồng theo mô hình công nghệ cao và công nghệ cơ bản cho đại diện các nông dân đang sản xuất rau, hoa ứng dụng các công nghệ trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Ánh – Chủ nông hộ tham gia đề tài tại Đa Phú, phường 7, Tp, Đà Lạt và các nông hộ tham gia liên kết ứng dụng đề tài cho biết: Việc lắp đặt, điều khiển phần mềm rất dễ dàng, ai đó trong nhà khi có “Smart phone” đã cài đặt ứng dụng Tido Farm đều sử dụng được. Thiết bị tưới tự động điều khiển từ xa, giúp công việc trở nên nhẹ nhàng, đơn giản. Hệ thống điều khiển tưới tự động qua điện thoại được kết nối Internet, kết nối vào hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương cho phép tiết kiệm được nước. Cách tưới theo công nghệ tiên tiến này còn tiết kiệm được thời gian, chủ vườn đi đâu cũng tưới được, không nhất thiết phải có mặt ở nhà. Hệ thống ngoài tự động còn có thể hẹn giờ. Nếu sợ quên do công việc bận rộn hoặc định kỳ tưới vào buổi tối và buổi sáng thì đặt chế độ hẹn giờ tưới, giờ tắt cho thiết bị. Áp dụng hệ thống trang bị công nghệ cơ bản và công nghệ cao vừa giải phóng được sức lao động, lại vừa bảo vệ sức khỏe cho nhà vườn. Đối với hệ thống trang bị công nghệ cao cho phép điều chỉnh được nhiệt độ, ánh sáng trong chăm sóc và đặc biệt tự động ghi chép tải về được lịch sử chăm sóc như: tưới nước, tưới phân, nhiệt độ, độ ẩm không khí trong vườn và liều lượng phân bón tưới cho cây trồng.

Hình thành nhà nông “thế hệ 4.0”

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và nguồn nhân lực, cùng phương châm "lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, ứng dụng khoa học - công nghệ là điều kiện tiên quyết để phát triển; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể và là nhân tố quyết định" đã khích lệ và tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp và đã hình thành lớp nông dân thế hệ mới - thế hệ 4.0 năng động, sáng tạo, làm giàu từ nông nghiệp.

Việc tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học - công nghệ, thay đổi nếp nghĩ đến cách làm đã giúp hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới trên vùng đất Lâm Ðồng nói chung, Đà Lạt nói riêng. Giờ đây, hàng chục chủ trang trại, nhà nông khác đã ứng dụng IoT trong sản xuất, có thể yên tâm vừa ngồi uống cà-phê, vừa giao dịch khách hàng, xuất ngoại tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và mở điện thoại thông minh (sử dụng ứng dung các phần mềm như Tido Farm, HiFarm…) để nắm thông tin của trang trại như nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng…

Ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đang là mục tiêu hướng đến trong lộ trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới. Tháo gỡ những khó khăn này và có cơ chế khuyến khích người dân trong ứng dụng CNTT vào sản xuất không chỉ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà còn giúp ngành Nông nghiệp sớm thực hiện mục tiêu số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh bắt đầu từ khâu quản lý tài nguyên thiên nhiên, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thời gian tới, nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hiện đại, Nhà nước cần đồng bộ từ cơ chế, chính sách tới những nguồn lực cần thiết và trước hết là sự tiên phong của các doanh nghiệp, các HTX có đủ năng lực thực hiện, đồng thời cần sự mạnh dạn, tự tin của người nông dân để tham gia vào quá trình sản xuất ứng dụng hiệu quả thành tựu của công nghệ; nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư đúng mức công tác nghiên cứu, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gắn với chú trọng công tác xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường nông nghiệp công nghệ cao, nhằm phát huy thế mạnh sản phẩm của địa phương./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng