Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Hiện nay, Việt Nam nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng đang phải đối mặt với thách thức về tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt. Tình hình ô nhiễm môi trường nước ngày càng nghiêm trọng và không ngừng gia tăng không chỉ ở thành thị mà ở khu vực nông thôn.



Trước vấn đề ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch khắc phục cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ô nhiễm nguồn nước ảnh đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của người dân.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh về ô nhiễm nguồn nước còn nhiều hạn chế, chưa tiếp cận đến số đông người dân nông thôn, người đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là người dân vùng hưởng lợi tại 245 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Chính vì vậy, mà người dân nông thôn chưa hiểu được lợi ích, quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc cùng tham gia quản lý, bảo vệ công trình nước sạch, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường.

Để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nguyên nhân tác động gây ô nhiễm nguồn nước ảnh đến sức khỏe của con người, đời sống sinh hoạt của người dân và các biện pháp bảo vệ nguồn nước, cụ thể:

Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh

Từ chất thải sinh hoạt của hộ gia đình: Trong quá trình sinh hoạt, vệ sinh của con người hàng ngày gồm chất thải rắn và nước thải không được thu gom, xử lý mà phát thải ra môi trường không chỉ gây ô nhiễm nước mặt mà còn thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 652 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom xử lý đạt khoảng 87%. Trong đó, khu vực nông thôn phát thải khoảng 380 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom khoảng 48%. Riêng đối với chất thải sinh hoạt chưa được thống kê đầy đủ.

Từ hoạt động sản xuất nông nghiệp: Chăn nuôi gia súc tự do phát thải phân, nước tiểu mà không được thu gom, xử lý. Đặc biệt là trong hoạt động sản xuất nông nghiệp vứt bỏ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng xuống ao hồ, sông suối, bờ ruộng gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình hàng năm của tỉnh khoảng 4.200 - 4.600 tấn, lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật thải ra môi trường khoảng 357 - 391 tấn/năm. Lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thu gom và tiêu hủy đúng quy định hàng năm chỉ đạt 19,2 tấn/391 tấn (chiếm 4,9%).

 Từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát thải nước thải ra ngoài môi trường mà chưa được xử lý.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như thiên tai, lũ lụt…

Từ những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước như trên đã ảnh hưởng đến sức khỏe con người trực tiếp như:

Nước bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng các loại thông thường gây ra các bệnh như viêm da, tiêu hoá, tiêu chảy, nhiễm giun sán, đau mắt.

Đối với nguồn nước ô nhiễm kim loại nặng như asen gây ra các bệnh nặng, gây ung thư. Người nhiễm chì lâu ngày có thể mắc bệnh thận, thần kinh, nhiễm Amoni, Nitrat, Nitrit gây bệnh xanh da, thiếu máu, có thể gây ung thư. Nhiễm Natri (Na) gây bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch; nhiễm lưu huỳnh gây bệnh về đường tiêu hoá; nhiễm Kali, Cadimi gây bệnh thoái hoá cột sống, đau lưng. Hợp chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản thực phẩm, phốt pho gây ngộ độc, viêm gan, nôn mửa. Kim loại nặng các loại: Titan, sắt, chì, cadimi, asen, thuỷ ngân, kẽm gây đau thần kinh, thận, hệ bài tiết, viêm xương, thiếu máu.

Từ đó, cần có các biện pháp cấp bách để bảo vệ nguồn nước sạch

Cần tuyên truyền, thúc đẩy người dân nâng cao ý thức cộng đồng để chung tay giữ sạch nguồn nước bằng các cách đơn giản như:

 Không xả rác sinh hoạt nơi công cộng, không xả chất thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, cần xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra hệ thống cống chung. Thu gom rác thải sinh hoạt để đúng nơi quy định.

Chất thải nông nghiệp cần thu gom, xử lý đúng nơi quy định. Đặc biệt là rác thải nguy hại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón không vứt bừa bãi trên đồng ruộng, sông suối, ao hồ.

Sử dụng nước sạch tiết kiệm, không sử dụng nước sạch một cách lãng phí. Cần kiểm tra và bảo dưỡng công trình cấp nước như đường ống dẫn nước hay những bể chứa nước, nhằm chống sự thất thoát của nước.

Đối với nước thải công nghiệp, làng nghề cần phải được kiểm soát và xử lý theo quy định môi trường nước trước khi xả ra môi trường.

Công tác tuyên truyền về ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và bảo vệ môi trường nông thôn hết sức quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, làm thay đổi hành vi trong sinh hoạt nói chung, trong sử dụng nguồn nước nói riêng, như biết sử dụng tiết kiệm nước, biết bảo vệ nguồn nước, cùng tham gia bảo vệ công trình, giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống khu dân cư. Công tác truyên thông đạt hiệu quả sẽ góp phần giảm thiểu bệnh tật, ổn định phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm thay đổi bộ mặt dân cư nông thôn.

 Văn Hợi - TTKN Lâm Đồng