Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Truy xuất nguồn gốc: Lợi ích vẹn toàn cho chuỗi cung ứng

Việc truy xuất nguồn gốc được coi là một trong những giải pháp để bảo đảm tính minh bạch hóa của toàn bộ chuỗi cung ứng cho nông sản. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản.



Trong thời gian gần đây, việc truy xuất nguồn gốc nông sản một cách chính xác và kịp thời đã trở thành yếu tố then chốt trong kinh doanh nông sản. Người tiêu dùng và một số bộ phận dân cư đang trở nên quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm. Chẳng hạn về cách thức sản xuất nông sản, cho dù đó là nông sản hữu cơ hay sử dụng hóa chất tối thiểu.

Người tiêu dùng muốn biết liệu các sản phẩm họ sẽ sử dụng đã trải qua các công đoạn nào trước khi được tiêu dùng và truy xuất nguồn gốc là một công cụ để đáp ứng mong đợi của người mua và người dùng cuối, đồng thời để bảo đảm với họ rằng các sản phẩm thực sự đáp ứng các yêu cầu của họ về chất lượng.

Mới đây, vụ rau trôi nổi được gom mua ở chợ rồi dán nhãn VietGap của Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) rồi đưa vào một số cửa hàng hệ thống siêu thị WinMart thuộc WinCommerce (Tập đoàn Masan) và trên sàn thương mại điện tử Tiki, đã khiến người tiêu dùng không khỏi bức xúc. Về sự việc này, đại diện Tập đoàn Masan cho biết, đã lập tức ngừng nhập và loại toàn bộ hàng hoá của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ. Đồng thời, đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác.

Sự việc này càng cho thấy, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò quan trọng thế nào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng. Truy xuất nông sản sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát hiện các vấn đề trong sản xuất, giúp xử lý nhanh chóng kịp thời các sự cố hay trong trường hợp thu hồi sản phẩm sẽ nhanh chóng phát hiện các sản phẩm cần thu hồi, tránh gây thiệt hại lớn cho quá trình sản xuất…

Trên địa bàn TP. Hà Nội, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã tham gia hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc. Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, hiện nay hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm của Thành phố đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp với hơn 10.925 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là nông sản theo những tiêu chuẩn có uy tín như GAP, GlobalGAP, ASC, BAP...

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ, hiện chuỗi siêu thị Co.opmart cũng áp dụng quy trình đánh giá chất lượng tại 3 khâu, tại vùng canh tác, tại kho và tại quầy kệ siêu thị. Siêu thị cũng tiến hành khảo sát trực tiếp nơi sản xuất. Riêng nhóm hàng rau VietGAP yêu cầu giám sát rất khắt khe, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch.

"Co.op Mart sử dụng xe kiểm nghiệm lưu động trực tiếp kiểm tra chất lượng nông sản tại vườn không báo trước cho nhà cung cấp với tổng lượng hơn 24.000 mẫu/năm", bà Dung nói.

Khẳng định về tầm quan trọng của việc dán tem truy xuất nguồn gốc, chị Nguyễn Thu Thoan, Chủ trang trại gà vi sinh Thu Thoan (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) cho biết, việc dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng được hưởng đúng giá trị của sản phẩm với số tiền bỏ ra. Ngoài việc dám tem truy xuất nguồn gốc, với mỗi con gà được xuất ra thị trường đều được chị Thoa gắn dây niêm phong để bảo đảm không thể đánh tráo sản phẩm. Việc bảo đảm bảo xuất xứ hàng hóa chính là bảo vệ sản phẩm của mình và lợi ích cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) cho biết, các sản phẩm của hợp tác xã như táo, bưởi, mít… đều được giám sát chặt chẽ từ khâu trồng, chăm sóc tới khâu đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường. Khi tới kỳ thu hoạch, các sản phẩm nông sản sẽ được đóng gói và dán tem QR Code để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng thông qua điện thoại, máy tính bảng có kết nối Internet.

Ngay từ khi bắt đầu sản xuất, hợp tác xã đã định hướng sản xuất sản phẩm an toàn. Để chứng minh điều đó với người tiêu dùng, đầu năm 2018, Hợp tác xã đăng ký dán truy xuất nguồn gốc QR Code để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trong giai đoạn này, Hà Nội phấn đấu có 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, thuốc chữa bệnh; sản phẩm, hàng hóa chủ lực, trọng điểm, ưu tiên, đặc trưng trên địa bàn Thành phố sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, bảo đảm khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, việc dán tem truy xuất nguồn gốc là việc làm thiết yếu mà các doanh nghiệp, Hợp tác xã, các hộ kinh doanh cần phải làm để bảo vệ thương hiệu cho chính mình và quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hướng tới việc ngăn chặn việc làm hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cũng phải khắt khe hơn trong việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và các thành viên trong gia đình./.

TA (Theo Chinhphu.vn)