Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Triển khai nhiều giải pháp phát triển nông sản an toàn

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong năm qua, Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.



Theo ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội, Thành phố có tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp Thủ đô đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2024, mặc dù đối diện với ảnh hưởng của cơn bão Yagi nhưng tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn Thành phố ước tăng 2,47% so với năm 2023.

Trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 14.781 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản (3.271 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, 11.510 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản) và khoảng 85.435 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ do cấp xã, phường quản lý. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản này là các mắt xích tạo nên các chuỗi các sản, kinh doanh, cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản cho người dân.

Trong năm 2024, bên cạnh công tác phát triển sản xuất nông nghiệp, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, đã tích cực chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở, tăng cường triển khai các giải pháp thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn và đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời duy trì, phát triển nguồn cung thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Tính đến cuối năm 2024, ngành nông nghiệp đã khuyến khích hỗ trợ triển khai 25 mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn như sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình thâm canh bưởi VietGAP, thủy sản theo hướng VietGAP, mô hình chăn nuôi lợn sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường chăn nuôi. Đồng thời duy trì, phát triển, vận hành 62 mô hình áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS). Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS: Participatory Guarantee system) là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ.

Để phát triển thị trường, xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, ngành nông nghiệp Thành phố đã duy trì và phát triển hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi với hơn 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT 43 tỉnh, thành phố chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 1.327 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục duy trì vận hành, phát triển "Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội". Đến nay, hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.533 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; đã cấp 14.050 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản lên Hệ thống (tăng 21% so với năm 2023).

Phát huy vai trò quản lý nhà nước bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2024, Chi cục đã tổ chức lấy 1.927 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, đã có kết quả phân tích của 1720/1.927 mẫu, trong đó: 1662 mẫu đạt yêu cầu các chỉ tiêu phân tích (chiếm 96,5%), 46 mẫu không đảm bảo về chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Đối với các mẫu vi phạm Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội đã ban hành 44 thông báo cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm đến cơ sở được lấy mẫu và cơ quan phối hợp để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm và yêu cầu khắc phục theo quy định.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT đã kiểm tra đột xuất và chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại 520 tổ chức, cá nhân (thanh tra 74 tổ chức; kiểm tra 7 tổ chức và 8 cá nhân) hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 21 tổ chức và 08 cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 21 tổ chức và 08 cá nhân với tổng số tiền là 1.032.357.750 đồng; buộc tiêu hủy 3.402 kg thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng; 14.221 kg thực phẩm./.

NT (Theo www.chinhphu.vn)