Huyện cũng hỗ trợ và hướng dẫn các cá nhân, tổ chức cách xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, toàn huyện hiện có 77,5 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP của 9 hợp tác xã và hộ kinh doanh với những sản phẩm là cây ăn quả và rau các loại; 3,3 ha tại các xã Cát Quế, Yên Sở sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ; 13 xã có tổng diện tích 51,91 ha được cấp mã số vùng trồng nội tiêu; 26,32 ha của xã Yên Sở và xã Cát Quế được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây bưởi.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất rau, quả an toàn, hữu cơ với tổng diện tích 176 ha theo hệ thống bảo đảm có sự tham gia theo chuỗi PGS, tại các hợp tác xã nông nghiệp Phương Viên, Phương Bảng, xã Song Phương; Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Dương, xã Cát Quế; Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên và Hợp tác xã Nông nghiệp xã Vân Côn.
Huyện cũng có 8 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: Rau an toàn Tiền Lệ, bưởi đường Quế Dương, bưởi đường La Tinh, phật thủ Đắc Sở, nhãn chín muộn Hoài Đức, bánh gai xã Yên Sở, ổi Di Trạch và bánh đa nem Ngự Câu. Tháng 12/2023, huyện được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi đường La Tinh - Hoài Đức. Đặc biệt, huyện còn có 52/54 làng có nghề. Trong số này, có 9 làng nghề sản xuất, chế biến thực phẩm được công nhận như: Làng nghề chế biến lương thực thực phẩm Lưu Xá và bún bánh Cao Xá Hạ, xã Đức Giang; làng nghề bánh kẹo, dệt kim La Phù; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế; làng nghề bánh đa nem Ngự Câu, xã An Thượng; làng nghề xây dựng, chế biến nông sản Yên Sở; làng nghề chế biến nông lâm sản Đồng Nhân, xã Đông La...
Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên cho biết, thời gian qua, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm. Cụ thể, trong năm 2024, toàn huyện tổ chức 129 lớp, hội nghị tập huấn cho 7.296 lượt người, là thành viên ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm và các xã, thị trấn, trường học, cơ sở, hộ chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn. Đáng chú ý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng. Trên cơ sở đó, các công đoạn từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ đều có bộ phận giám sát kỹ lưỡng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận khẳng định, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội) kiểm tra, giám sát các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng nội tiêu và xuất khẩu tại các xã: Đức Thượng, Sơn Đồng, An Khánh, Lại Yên, Đức Giang, Đông La, Minh Khai, Cát Quế, Yên Sở. Để các sản phẩm thực phẩm của huyện bảo đảm cho nhu cầu sử dụng của nhân dân địa phương, cung cấp thực phẩm an toàn cho thành phố và các vùng lân cận, đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị và xuất khẩu ra thị trường thế giới, huyện triển khai những giải pháp thiết thực, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Huyện cũng tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đồng thời, chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nhằm tiết kiệm thời gian, sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, kiểm tra xử lý vi phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại các xã, thị trấn hoạt động hiệu quả. Đồng thời, huyện đề xuất với sở, ngành chức năng của thành phố có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện cấp đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản trong các chợ truyền thống”, ông Nguyễn Trung Thuận thông tin thêm./.
TX (Theo Báo HNM)