Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thường Tín: Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại

Thường Tín là huyện ven đô, có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp cho thu nhập ổn định và cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, huyện xác định tất yếu phải chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.



Huyện Thường Tín có 126 làng cổ, đều có nghề truyền thống. Trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề. Tiêu biểu là các nghề tiện gỗ ở Nhị Khê, bánh dày ở Quán Gánh, xã Nhị Khê; sơn mài ở Duyên Thái; thêu ở Quất Động; điêu khắc ở xã Hiền Giang; mộc cao cấp ở Vạn Điểm; sinh vật cảnh ở Hồng Vân; cây cảnh ở Vân Tảo…

Trong những năm qua, quá trình phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với quá trình phát triển nông thôn, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện Thường Tín. Đời sống người lao động từng bước được nâng cao, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động,… góp phần quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học; bảo đảm an ninh lương thực, tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, chất lượng cao; phát triển mô hình trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp theo hướng công nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt “dồn điền, đổi thửa” tạo ra những vùng chuyên canh quy mô lớn như lúa, rau an toàn, hoa, cây ăn quả...

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện 6.538 ha. Những năm qua, các cấp, các ban ngành, đoàn thể huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng các chương trình, kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp nên kết quả năm 2016 giá trị trên đơn vị diện tích canh tác đạt 120 triệu đồng/ha.

Cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 47,2% so với năm 2011 chiếm 43,9% cơ cấu ngành nông nghiệp. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tiếp tục được triển khai tích cực hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như lúa hàng hoá tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên...; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh...; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên...; vùng nuôi trồng thuỷ sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến...

Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy, đạt được kết quả quan trọng trên do địa phương có nhiều cơ chế, chính sách quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hằng năm, huyện hỗ trợ 70% giá thóc giống cho nông dân, 50% giá giống ngô, đậu tương và 100% giá giống bí xanh, bí đỏ, dưa chuột. Ước tính ngân sách huyện đã hỗ trợ giá giống và phân bón từ năm 2013 đến nay gần 16,8 tỷ đồng, còn kinh phí cho phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm là 4,45 tỷ đồng.

Cùng với đó, huyện tập trung triển khai hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo Nghị quyết 25 của HĐND thành phố từ năm 2013-2017 hơn 9,2 tỷ đồng, kế hoạch dự kiến năm 2018 hỗ trợ là 1,97 tỷ đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi trồng thủy sản xã Nghiêm Xuyên 62 tỷ đồng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau an toàn xã Hà Hồi 38 tỷ.

Huyện cũng đã hỗ trợ kinh phí xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể khoai tây Thường Tín, dưa chuột Ba lăng Thường tín với kinh phí 600 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện có đã có 5 mô hình liên kết chuỗi tại xã Ninh Sở, Lê Lợi, Văn Bình...; 14 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gồm: Mô hình nuôi trồng thủy sản xã Nghiêm Xuyên; mô hình trồng rau tại xã Tân Minh, Thư Phú, Hà Hồi; mô hình trồng cam Canh, xã Tự Nhiên.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đánh giá, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn liền với công tác quy hoạch nông thôn mới ở huyện Thường Tín đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, cánh đồng mẫu lớn... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất.

Công tác chuyển đối cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện được xác định là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, giải quyết lao động việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới./.

NT (Theo Chinhphu.vn)