Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kinh tế tuần hoàn trong thủy sản – Hướng đi bền vững cho phát triển nông nghiệp Hà Nội

Kinh tế tuần hoàn là một chiến lược phát triển bền vững, nhấn mạnh việc tái sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lãng phí. Trong lĩnh vực thủy sản, kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu tác động môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình cá - lúa là một ví dụ điển hình cho kinh tế tuần hoàn, đã được triển khai thành công ở nhiều vùng tại Việt Nam.



Mô hình cá - lúa là sự kết hợp giữa trồng lúa và nuôi cá trong cùng một hệ thống. Cá nuôi trong các ruộng lúa giúp kiểm soát sâu bệnh và cung cấp phân bón tự nhiên cho lúa. Ngược lại, cây lúa cung cấp môi trường sống lý tưởng cho cá. Mô hình này không chỉ tăng cường sản lượng nông nghiệp mà còn giúp bảo vệ môi trường, giảm sử dụng hóa chất và cải thiện chất lượng đất và nước.

Một ví dụ về kinh tế tuần hoàn trong thủy sản là mô hình nuôi cá - lúa và tôm - lúa tại các vùng ven biển như Cà Mau, mô hình này đã giúp giảm lượng nước mặn xâm nhập, đồng thời tăng sản lượng cả tôm và lúa. Tôm, cá nuôi trong các ruộng lúa giúp cải tạo đất, kiểm soát sâu bệnh và giảm nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu. Ngược lại, lúa giúp tạo môi trường nước ngọt cho tôm, cá phát triển tốt hơn.

Ví dụ tiếp theo là mô hình nuôi cá - bèo - lúa tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long như tỉnh An Giang, nông dân đã kết hợp nuôi cá trong các ruộng lúa, sử dụng bèo làm thức ăn cho cá và phân hữu cơ từ cá để bón cho lúa. Mô hình này không chỉ tăng cường năng suất mà còn giúp cải thiện môi trường nước và đất, đồng thời giảm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học.

Việc áp dụng mô hình cá - lúa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Bằng cách sử dụng phân bón tự nhiên từ cá, nhu cầu sử dụng phân bón hóa học giảm, từ đó giảm lượng khí nhà kính phát thải từ quá trình sản xuất và sử dụng phân bón. Hơn nữa, mô hình này giúp tăng khả năng hấp thụ carbon của đất, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Tại Hà Nội, với điều kiện khí hậu ôn hòa nhưng mùa đông lạnh, mô hình cá - lúa cần được điều chỉnh để phù hợp. Chọn giống cá phù hợp để thả ghép trong ruộng lúa như cá rô, trắm cỏ và cá chép. Đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để quản lý môi trường nuôi trồng sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả của mô hình.

Hà Nội có diện tích 5.930 ha đất trũng trồng lúa tập trung tại các huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa,… có thể áp dụng mô hình cá - lúa.

Mô hình cá - lúa là một hướng đi bền vững và tiềm năng cho phát triển kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội. Nếu được triển khai một cách hợp lý và khoa học, mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp người nông dân có động lực chuyển đổi phương thức sản xuất nâng cao đời sống kinh tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp của Thủ đô./.

                                                                                                                Hoàng Kim Vũ