Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thực trạng và giải pháp phát triển chăn nuôi bò tại tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng là một tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai, có điều kiện tự nhiên cũng như xã hội rất thích hợp với ngành chăn nuôi như khí hậu mát mẻ, diện tích chăn nuôi rộng, nguồn lao động dồi dào, nguồn thức ăn phong phú và đa dạng, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi và có ưu thế trong việc phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, bò thịt.



Tình hình chăn nuôi bò sữa

Theo kết quả điều tra ngày 01/10/2018 tổng đàn bò 106.874 con, tăng 1,45% (+1.529 con) so với cùng kỳ; số lượng bò sữa 20.070 con, tăng 0,43% (+85 con); trong đó, bò cái cho sữa 15.072 con, chiếm 72,36% tổng đàn bò sữa, tăng 3,57%. Sản lượng sữa tươi đạt 80.268,9 tấn, tăng 6,34% (+4.784 tấn) so với cùng kỳ, sản lượng sữa tươi bình quân 1 bò cái sữa đạt 5.320 kg sữa/năm (Theo Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng năm 2018). Điều này chứng tỏ, đàn bò sữa không phát triển tăng đàn cơ học, chủ yếu tăng đàn tự nhiên với tỷ lệ thấp; đàn bò sữa tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và thành phố Bảo Lộc. Năng suất sữa tươi bình quân 20 lít/con/ngày (khoảng 6.000 lít/chu kỳ/con), sản lượng sữa tươi ước đạt 200 tấn/ngày.

Giống bò sữa đang được chăn nuôi tại Lâm Đồng chủ yếu là giống bò thuần HF. Nguồn thức ăn cho bò sữa được các nông hộ chăn nuôi chú ý, quan tâm như trồng cỏ năng suất cao, ủ chua cây bắp, các phụ phẩm củ quả từ trồng trọt,… công tác tiêm phòng, khử trùng chuồng trại được thực hiện định kỳ nên tình hình dịch bệnh trong các năm qua đã không xảy ra.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.267 hộ, trang trại chăn nuôi bò sữa, có 04 doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa quy mô lớn. Sữa bò do 3 đơn vị thu mua và chế biến tiêu thụ, trong đó: Công ty Vinamilk (08 trạm) thu mua khoảng 70% tổng sản lượng sữa, Công ty cô gái Hà Lan (03 trạm) thu mua khoảng 15% tổng sản lượng sữa và Công ty Dalatmilk (03 trạm) thu mua khoảng 10% tổng sản lượng sữa; 5% lượng sữa tiêu thụ tại chỗ trong dân. Liên kết chăn nuôi được chú trọng thể hiện qua hợp đồng ký kết trực tiếp giữa đơn vị thu mua với hộ chăn nuôi.

Tình hình chăn nuôi bò thịt

Tổng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh là 86.804 con, trong đó, tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 67%, đàn bò lai cao sản chiếm khoảng 14% tổng đàn bò lai. Các địa phương có đàn bò thịt phát triển mạnh tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Cát Tiên.

Công tác nhập nội, lai tạo một số giống bò cao sản được người dân quan tâm, đưa vào sản xuất chăn nuôi tại các địa phương có đàn bò thịt phát triển. Thông qua các chương trình, đề án, dự án và lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau để triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt, chất lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Các giống bò thịt nuôi tại tỉnh Lâm Đồng đang sinh trưởng, phát triển tốt gồm bò lai Sind, Brahman, Red Angus, Droughtmaster, BBB, Kobe (Wagyu) và bò vàng địa phương. Đây là cơ sở để lai tạo, phát triển đẩy nhanh số lượng và chất lượng đàn bò thịt cao sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh một số thuận lợi thì ngành chăn nuôi bò của Lâm Đồng cũng có những khó khăn nhất định như: Mùa khô kéo dài, gây tình trạng khô hạn, đồng cỏ chậm phát triển ảnh hưởng xấu tới lĩnh vực chăn nuôi bò ở nhiều nơi trong tỉnh. Mặt khác, Lâm Đồng cũng là địa phương còn khó khăn về kinh tế, đầu tư cho chăn nuôi chưa đáp ứng tiềm năng và yêu cầu phát triển. Giao thông tới vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn, chi phí vận chuyển giống, vật tư đầu vào từ các vùng khác đến và chi phí vận chuyển sản phẩm của vùng đi tiêu thụ tăng cao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn gặp khó khăn, thiếu sự gắn kết giữa các thương lái, doanh nghiệp và người chăn nuôi để tạo ra chuỗi liên kết ổn định. Biến động giá cả, việc nắm bắt thông tin để điều chỉnh sản xuất theo thị trường của người chăn nuôi còn hạn chế, việc mua bán thường qua nhiều khâu trung gian, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên ảnh hưởng tới thu nhập của người chăn nuôi. Giá thành các loại nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi luôn biến động, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và hiệu quả chăn nuôi.

Định hướng và giải pháp phát triển đàn bò

Định hướng đến năm 2020 phát triển tổng đàn bò đạt 125.000 con, trong đó bò sữa đạt 25.000 con, bò thịt đạt 100.000 con. Sản lượng thịt bò hơi đạt 10.000 tấn, sữa tươi đạt 100.000 tấn/năm. Phát triển nhanh đàn bò sữa chất lượng cao, ưu tiên phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp, trang trại. Mỗi địa phương hình thành 01- 02 điểm cung ứng tinh, vật tư và thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo bò sữa. Đối với bò thịt ưu tiên phát triển đàn bò thịt lai cao sản, gồm các giống: Red Angus, Droughtmaster và BBB, nâng tỷ lệ đàn bò lai (bò lai Zêbu, bò lai cao sản) đạt 75% tổng đàn. Phát triển diện tích trồng cây thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi bò sữa và bò thịt tại các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc.

Cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phương thức tổ chức mới vào chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường. Chăn nuôi gắn với sản xuất trồng trọt để cung cấp thức ăn thô xanh, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, chế biến thức ăn tinh quy mô hộ và nhóm hộ. Khuyến khích chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ nhằm đáp ứng đủ cho yêu cầu phát triển chăn nuôi đại gia súc. Khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cỏ mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất, hạn chế nhập khẩu cỏ. Tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân về kỹ thuật trồng các giống cỏ chất lượng cao. Phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, tổ chức các hộ chăn nuôi theo hướng thành lập hợp tác xã, câu lạc bộ, liên kết với doanh nghiệp để tạo được vùng nguyên liệu, thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm của vùng, địa phương.

Có chính sách, khuyến khích, hỗ trợ để đổi mới phương thức chăn nuôi phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại, theo hướng liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lập kế hoạch để triển khai thực hiện tốt các nội dung, giải pháp và đảm bảo tính hiệu quả của Đề án phát triển chăn nuôi sữa, bò thịt tại địa phương. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa và bò thịt tăng cường các chính sách đầu tư hợp tác tạo điều kiện thuận lợi để chăn nuôi bò phát triển.

Tăng cường công tác tuyên truyền để cung cấp cho nông dân những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất mới, thông tin về thị trường, giá cả, an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất… đẩy mạnh hoạt động khuyến nông từ trung ương tới địa phương thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, truyền thông để nâng cao năng lực của người sản xuất./.

Văn Đắc - TTKN Lâm Đồng