Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19” với 63 tỉnh/thành trên toàn quốc. Tại Lâm Đồng, đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị với sự tham gia của Lãnh đạo các Sở NN&PTNT, Công Thương, Tài chính; các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng; và một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh.



Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 2 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo thời gian tới, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm. Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong nước, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng tới ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; Dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên vẫn gây khó khăn cho công tác tái đàn và dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát; Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam… Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp đặt ra một số giải pháp trước mắt như chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường… Đặc biệt, Bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Phương án này bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao về số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.

Tại hội nghị, liên quan đến ngành chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện 44 ổ dịch cúm gia cầm (39 ổ dịch do virus cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1) tại 14 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đến nay cả nước có 98,7% số xã có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày, trong đó có 39 tỉnh, thành phố đã hết bệnh DTLCP và từ đầu năm đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch bệnh làm 20.177 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy… Giải pháp được ngành Nông nghiệp đưa ra trong thời điểm này là tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh. Hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi và nghiên cứu, sản xuất vắcxin phòng bệnh. Hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn heo theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học, dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn, để cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho thị trường và đặc biệt phải “bình ổn giá”, hạ giá thành thịt lợn để đảm bảo lợi ích giữa người sản xuất - phân phối - người tiêu dùng…

Dịch Covid-19 đã thành đại dịch, hết sức nguy hiểm, gây ra 02 vấn đề bao trùm, đó là đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn cầu và làm rối loạn nền kinh tế thế giới. Nhiệm vụ đặt ra là phải đảm bảo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh; đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đảm bảo xuất khẩu và đảm bảo an sinh xã hội, tạo môi trường phát triển bền vững ở trong nước./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng