Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thông báo tình hình sâu bệnh hại lúa và biện pháp phòng trừ

Hiện nay lúa mùa đã trỗ khoảng 70% dện tích gieo cấy. Lúa trà sớm chín sữa - chín sáp, trà trung làm đòng - trỗ bông, trà muộn phân hóa đòng - làm đòng. Trên một số diện tích lúa đã phát sinh một số sâu bệnh hại như: Bọ rầy, sâu đục thân bướm 2 chấm, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn.



Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thông báo tình hình phát sinh gây hại và hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ như sau:

  1. Tình hình sâu bệnh hại

- Bọ rầy: Phát sinh gây hại cục bộ trên trà sớm và trà trung, mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, cao 200 - 300 con/m2, tuổi 5, trưởng thành, cá biệt ổ 800-1.200 con/m2, tuổi 1,2. Diện tích nhiễm 17,5ha, tập trung ở các huyện Thanh Oai, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức,… Dự kiến mật độ bọ rầy tiếp tục tăng từ nay đến trung tuần tháng 9.

- Sâu đục thân bướm 2 chấm: Sâu non lứa 4 gây bông bạc cục bộ trên trà sớm, tỷ lệ trung bình 0,3-0,5% bông, cao 3-6% bông. Diện tích nhiễm 15,5ha. Trưởng thành lứa 5 bắt đầu vũ hóa và đẻ trứng trên trà trung và trà muộn, mật độ trứng trung bình 0,05-0,1 ổ/m2, cao 0,3-0,5 ổ/m2, cục bộ 1-2 ổ/m2.

- Bệnh khô vằn: Tỷ lệ hại trung bình 7-10% dảnh, cao 20-25% dảnh, cấp 3-5 cục bộ >40% dảnh, cấp 7. Diện tích nhiễm 2.304,3ha, trong đó nhiễm nặng 27,3ha. Bệnh tiếp tục hại tăng từ nay đến cuối vụ.

- Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn: Hại cục bộ, tỷ lệ bệnh trung bình 7-10% số lá, cao 20-25% số lá, cấp 3-5, cục bộ >40% số lá, cấp 7. Diện tích nhiễm 739,1ha, trong đó nhiễm nặng 4,6ha. Bệnh tiếp tục tăng từ nay đến cuối vụ.

  1. Biện pháp phòng trừ:

Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại các trà lúa, giống lúa, xác định mật độ sâu, tỷ lệ bệnh trên từng trà lúa tại địa phương để chủ động các biện pháp phòng trừ.

- Đối với bọ rầy: Phun thuốc phòng trừ bọ rầy ở những diện tích lúa có mật độ rầy >3000 con/m2 khi rầy chủ yếu ở tuổi 1,2 bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Thiamethoxam, Pymetrozine, Buprofezin,… như Chess 50WG, Winter 635EC, Penaty gold 50EC, Hichespro 50WP,… Sau khi phun thuốc 2-3 ngày, kiểm tra lại đồng ruộng, nếu thấy mật độ bọ rầy còn cao tiếp tục phun thuốc trừ lần 2.

- Đối với sâu đục thân bướm 2 chấm: Phun phòng trừ ở những diện tích có mật độ ổ trứng > 0,3 ổ/m2, thời điểm phun khi lúa thấp thoi trỗ. Sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất Chlorantraniliprole, Fipronil… như DuPont, Prevathon® 35WG, Virtako 40WG, Finico 800WG, Chief 520 WP,…

- Đối với bệnh khô vằn: Phun phòng trừ những diện tích có tỷ lệ bệnh >20% số dảnh bằng một trong các loại thuốc chứa hoạt chất Propiconazole, Difenoconazole,… như Nevo 330EC, Tilt super 300EC, Newsuper 330EC, Superone 300EC,…

- Đối với bệnh bạc lá: Phun thuốc phòng trừ ở những diện tích cấy giống nhiễm nặng (Bắc thơm số 7, nhóm giống TBR,…) bón thừa đạm ngay sau các đợt mưa giông hoặc khi bệnh mới xuất hiện bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Bismerthiazol, Copper Oxychloride, Streptomycin,… như Xanthomix 20WP, Sieusieu 250WP, Batocide 12WP, Reward 775WP,…).

Chú ý: Nồng độ, liều lượng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì, nên phun vào chiều mát./.

TX (TH)