Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thời điểm cúm gia cầm phát triển mạnh và biện pháp phòng bệnh

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do virus cúm type A. Những thời điểm có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao rất thuận lợi cho virus cúm gia cầm tồn tại và phát triển.



Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Chỉ chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với gia cầm nhập từ tỉnh ngoài phải được kiểm dịch và có Giấy chứng nhận kiểm dịch. Gia cầm mới mua về phải nhốt riêng, cách xa đàn gia cầm đang nuôi trong vòng 10 ngày để theo dõi và khi thấy gia cầm hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện gì khác thường thì mới thả chung vào cùng đàn gia cầm của gia đình.

Chú ý vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, khu vực xung quanh, chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa gia cầm vào nuôi. Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi.

Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát, có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, có hố khử trùng trước khu vực chăn nuôi, chất độn chuồng phải khô, sạch không ẩm mốc, bảo đảm đủ diện tích chuồng nuôi và sân chơi, thường xuyên thay độn chuồng. Nên có khu vực riêng tập trung phân và rác thải. Sau khi thu gom nên xử lý bằng phương pháp nhiệt sinh học. Không để các phương tiện đi lại, phương tiện vận chuyển (xe máy, xe đạp, xe cút kít…) cạnh chuồng nuôi.

Vệ sinh máng ăn máng uống sạch sẽ, nước uống đảm bảo trong sạch, thức ăn phải thơm, mới hấp dẫn đối với gia cầm.

Hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã. Chủ động dùng vaccine tiêm phòng cho toàn đàn. Hiện nay dùng vaccine Cúm gia cầm để phòng bệnh với liều lượng 0,5 ml/con.

Thu gom phân thải đánh đống ủ kỹ (từ 15 - 30 ngày) để tiêu diệt mầm bệnh./.

NT (Theo Nguoichannuoi.com.vn)