Điển hình là vườn dưa lưới công nghệ cao của Ông Trang Quốc Dũng (Công ty Nông Phát) ấp 7, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn có diện tích 2.3 ha, với 06 nhà màng được thiết kế theo công nghệ Israel tạo khí hậu môi trường phù hợp nên cây phát triển tốt.
Ông Trang Quốc Dũng chia sẻ: mô hình này ông đầu tư từ năm 2015 được sản xuất theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao ở các khâu từ lựa chọn hạt giống, phương pháp gieo trồng tiên tiến - giá thể, bán thủy canh, kiểm soát dinh dưỡng, phòng ngừa cách ly mầm bệnh… đều theo dõi trên phần mềm điều khiển thông minh, thông qua hệ thống theo dõi Smart Phone và dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sau 3 năm trồng và khảo nghiệm giống, đến nay anh Dũng đã khảo nghiệm thành công và thương mại hóa các giống dưa lưới Taki - ruột cam, Taka - ruột xanh, Tazoti dựa trên tiêu chí chất lượng và độ ngọt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
Chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000m² trồng dưa lưới là khoảng 600 triệu đồng, bao gồm nhà màng, thiết bị, giá thể, nhân công… Chi phí đầu tư cho 1 vụ/1.000m² khoảng 75 triệu đồng, với 2.200 – 2.500 gốc/1000m2, sau 70 -75 ngày trồng trọng lượng trái đạt trung bình khoảng 1,5 – 2 kg (tùy giống), sản lượng đạt 3 - 3.5 tấn/1.000m2/vụ, giá bán hiện khoảng 30.000 đồng/kg, doanh thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí thì còn lãi khoảng 25 triệu đồng/vụ/1.000m². Tính ra, 1ha trồng dưa lưới thu hoạch 4 vụ/năm, sản lượng khoảng 120 tấn, doanh thu 3,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ha/năm.
Theo chị Quách Ngọc Phương – cán bộ phụ trách kỹ thuật của anh Dũng cho biết, là một giống cây trồng mới tại Việt Nam, dưa lưới yêu cầu kỹ thuật trồng, chăm sóc cao hơn so với các cây trồng truyền thống khác. Môi trường phải luôn sạch sẽ, thoáng mát và cần nắng để cây phát triển tốt nhất. Khó nhất là thời gian cây ra hoa, kết trái. Một cây sẽ cho nhiều hoa nhưng người trồng phải ngắt hết, chỉ để lại 1 nụ hoa duy nhất ở lá thứ 9, thứ 10 đếm từ gốc lên, đảm bảo các chất dinh dưỡng chỉ tập trung vào 1 trái. Từ lúc ươm mầm đến lúc thu hoạch khoảng 75 ngày. Cây dưa lưới rất dễ sinh bệnh như phấn trắng, vàng lá, lá nhăn, nên việc chăm sóc phải kĩ lưỡng. Nếu cây phát sinh bệnh, phải cách li để tránh tình trạng lây lan sang cây khác. Để phòng trừ sâu bệnh vụ sau: sau khi thu hoạch tiến hành dọn sạch vườn, kể cả thiết bị vật tư, giá thể đem hết ra ngoài xử lý. Định kỳ nên vệ sinh và phơi nắng bạt trãi để phòng trừ sâu bệnh và cách ly vườn khoảng 5 - 7 ngày khi chuẩn bị trồng vụ mới. Ngoài ra, không nên tái sử dụng lại giá thể trồng dưa lưới mà dùng để trồng các loại rau khác không cùng họ dưa.
Sản xuất theo chuẩn VietGAP nên sản phẩm dưa lưới của ông Dũng đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, không tồn dư các hóa chất độc hại. Ngoài ra, do trồng trên hệ thống tự động hóa nên chỉ cần 10 công nhân và 03 cán bộ kỹ thuật chăm sóc vườn dưa rộng hơn 2,3ha. Hiện sản phẩm đang được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị như Big C, Co.opmart, một số nhà hàng, khách sạn tại TP. HCM và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chia sẻ bí quyết, ông Dũng nói: Công nghệ cao giúp mang lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp rất nhiều nhưng đừng hiểu công nghệ cao là cái gì lớn lao lắm. Trước tiên để thành công, người sản xuất phải hiểu nắm rõ kiến thức cây trồng là quan trọng nhất, nắm đặc tính cây trồng là quyết định 60% thành công, 40% thành công còn lại phụ thuộc vào thiết bị vật tư công nghệ, tuy nhiên không nên áp dụng rập khuôn mà tùy vào điều kiện và nhu cầu cụ thể của nông hộ. Theo ông, không nên tin hoàn toàn vào máy móc thiết bị dù cho có tân tiến cỡ nào, mà phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện sai sót. Công nghệ cao hay thấp cũng đều do con người quyết định, con người chính là yếu tố chi phối toàn bộ công việc. Làm công nghệ cao thì suy nghĩ cũng phải cao. Với phương châm “Tiết kiệm bằng cách thu thêm giá trị gia tăng, chứ không theo hướng cắt giảm đầu tư” đã đem đến thành công cho ông ngày hôm nay./.
Vân Tâm - TTKN TP HCM